Vương Gia Marxism

Chương 8: Gánh nặng để cho trò



“Khốn nạn… thi với chẳng cử”

San thiếu làu bà làu bàu ném cây cung đánh cạch một cái xuống nền cỏ, thằng Tuất vội vàng chạy tới nhặt cho cậu chủ.

Thật đúng là nhà giàu đi thi.

Thi văn còn giấy trắng mực đen, thi thoảng gặp quan chủ giám thanh liêm thật thì chịu chết.

Thi võ có một ngàn lẻ mười một cách chơi bẩn để thông qua.

Ví như cái môn cưỡi ngựa bắn tên này.

Cậu San nhà ta tuy thông minh nhanh trí, nhưng ba tháng học được cưỡi ngựa tàm tạm đã đủ siêu nhân lắm rồi. Ở đó mà đòi buông hai tay cưỡi ngựa bắn tên, chẳng may ngã lộn cổ ra đó rồi chầu ông bà ông vải lần hai thì cười à?

Cho nên Trần thiếu gia là giương cung cóc thèm cài tên, vì có lắp nó cũng rơi vãi lung tung. Cung không tên kéo cái vù , thả cái bụp. Còn cái bia chẳng biết làm cách nào mà lúc dựng lên đã găm đầy tên rồi....

Thí sinh vỗ tay khen hay, giám khảo trầm trồ nhất trí vậy là qua một môn.

Ở cái đất này thử hỏi tên thí sinh nào không vỗ tay cho San Thiếu? Đã đi thi võ thì toàn là thân phận bình bình, mà đã bình bình không dính tới sĩ phu thì phải nghe lời Trần thị. Dám mở mồm nói một câu nghịch tai... Thiếu đánh nên phát cuồng à?

Còn về giám khảo? Toàn là người ngài Đề đốc. Cụ Bình vì nuôi quân mà cắn răng nhận tới chục rương tài vật, thực tế cụ đã bị Trần gia Hồ gia tha hóa đôi chút, nếu chỉ là nuôi binh thì chỉ cần 4-5 rương là đủ, chỗ còn lại thừa đi đâu, tự biết.

Cụ Bình là già mà dẻo dai, năm rồi mới cưới tiểu thiếp đấy, cho nên ấy mà, nhà đông người phải lo, cụ cũng khổ lắm chứ.

“Cậu ơi đến con...” Thằng Tuất nhặt lên cây cung sau đó khom lưng cho cậu đạp mà xuống ngựa, khả năng nâng bi của thằng Tuất vẫn cứ là đứng đầu thiên hạ.

Cậu San cũng phải đóng như thật, những thói quen cũ của cỗ thân thể này tạm thời chưa bỏ ngay được.

Thằng Tuất lần này cũng thi. Trần gia bao trọn sân rồi.

Thằng Bẩu, thằng Tuất, thằng Mão thi sạch sẽ...

Tất nhiên mấy đứa này không cần đỗ cao, chỉ cần danh hiệu Võ sĩ là đủ, đám này dư sức tự thi được, chỉ có điều thân phận chúng bị quy tắc thi cử hạn chế mà thôi. Cậu mà cho thi thì bọn này có mà chẳng cần dùng tiền cũng đỗ.

Thân làm nô tài hộ vệ võ thuật phải cực cao còn bảo vệ Cậu, cho nên đừng nghĩ đám này chỉ biết chọi chó bắt dế. Bọn hắn là vừa phải phục vụ cậu chơi đùa, lại vừa phải bị huấn luyện công phu rất ác, không phải đơn giản có thể trở thành tay chân thân tín? Ở đâu cũng vậy cả, muốn nổi bật phải đổ mồ hôi sôi nước mắt, phải có áp lực phấn đấu, gia nô thì cũng không nằm ngoài quy luật này.

Chỉ có mấy thằng ngoại lệ chính là đám con cha cháu ông vạn ác này, sinh ra đã ngậm thìa vàng mà lớn lên, thấy cuộc đời cái gì cũng dễ.

Chấm láo một người cũng là láo mà láo mấy người cũng là láo. Lại chỉ có mình San thiếu là đỗ cao Võ Cử, còn lại chỉ là Võ Sĩ cho nên ban giám khảo là phê bừa cho nó nhanh.

Cuối ngày rồi, ở Thiên Hương Lầu đang bày sẵn tiệc rượu, các em gái Nhật, Cao Ly, đang chờ đón, lại thêm phong bao dày cộp của Trần gia nữa. Hơi đâu mà ngó nghiêng nhiều ở nơi đây.

Không quá hai tuần tân khoa Cử Võ tuổi trẻ tài cao Trần Quang San được phong chức Suất Thập tòng thất phẩm bé như hạt mè. Hắn lĩnh nhiệm vụ quản một đội Thủy binh trấn thủ khu vực Cửa Nhượng – Lạc Giang, chỉ huy 5 thuyền chiến lớn bé tổng số quan một trăm người.

Chiến thuyền cấp cho năm cái thật, còn về lính ở đâu tự lo liệu, báo danh sách lên , phủ Đề Đốc duyệt, có điều đừng mong có lương triều đình phát, tự mà nuôi lấy.

Không phải Võ Trọng Bình khó khăn gì mà ông ta không thể giao tinh binh trong tay của mình cho Trần gia hai cha con dày vò, một hồi là nát bét cả.

Hai cha con nhà này hoang đường ai cũng nghe tiếng, có thể nhận tiền của bọn họ làm một số việc không tổn hại đến đại cục , nhưng quyết không thoả hiệp để ảnh hưởng tới quân đội An- Tĩnh được.

Ngày hôm đó một thân một mình San thiếu mang theo một cái hộp gỗ đàn hương nhỏ cùng một đám “ thân binh” phi ngựa về Nghệ An.

“ Trò San cảm ơn thày nâng đỡ. Nhưng mà như ri, thày cho thuyền mà không cho thợ. Mấy chiến hạm dùng hỏng thì đi mô sửa… thày ôi…”

“… à cậu út nhà thày mới đầy tháng, Trò San gửi quà mừng cậu út…”

Động tác lóng ngóng chót đánh rơi hộp gỗ, khoá nắp bật ra … lá vàng loảng xoảng tung toé…

Thày Bình mắt trợn trừng…

Mấy tên công tượng thôi mà, ta là sợ ngươi nuôi nhiều sẽ trách ta để lại gánh nặng ở thuỷ doanh nên mới rút đi. Thuyền có mấy khi ra khơi đâu mà cần sửa chữa….. chừng này vàng hấn lại muốn cấy chi đây?

Thày Bình nhả rãnh, cha con nhà này một đời lại hoang đường hơn một đời, có điều lòng hiếu thảo vời thày thì mỗi đời mỗi tăng cao. Thày thích đấy.

“ Rồi rồi… đừng nhặt nữa… mi nhặt lá vàng hay đi rải lá vàng sân nhà thày đấy? Càng nhặt càng bừa bãi.. để đó lát Quản gia dọn… ngồi đi. Vậy mi muốn bao nhiêu công tượng đóng thuyền?” Thày Bình sao không hiểu ý thằng này?

Nào có ai nhặt lá vàng như nó, nhặt một lá rơi ra ba bốn lá… nhặt như vậy loá mắt… đau con ngươi.

“ Thày cứ nhiều nhất mà cho trò đi… Trò mới nhậm chức thuỷ binh Đội Trưởng, phải làm quen ra biển, chiến hạm đi lại nhiều có khi hỏng bét, lại gặp sóng gió hỏng đến mức không sửa được phải đóng mới thì sao. Cho nên thày cho càng nhiều càng tốt”. San thiếu dở trò bán manh giả dại cười hề hề gãi đầu gãi tai đáp.

Cái tuổi nhỏ này có ưu điểm đó là dễ khiến người khác mất đề phòng mà không biết ý đồ thật của ngươi.

Còn có nhược điểm đó là đừng mong nói chuyện đạo lý với người lớn tuổi. Mấy thằng khùng nứt mắt chưa xong đi dạy đời Lão làng đầu có sỏi thì ai tin? Kể cả ngươi nói có lý đi chăng nữa cũng khó thuyết phục người. Bởi lẽ họ có cái ấn tượng, “ trẻ tuổi thiếu kinh nghiệm” sau đó úp lên đầu ngươi. Chẳng ai nghe lọt tai đâu cho nên đừng cố gắng làm chuyện thừa.

“ Hử… bao nhiêu cũng được? Nhưng mà công tượng quân hộ là thuyên chuyển cả nhà , mi có lo được nổi cho bọn hấn không đây?”

Cụ Bình hơi phân vân.

Thực tế cụ rút mấy hộ công tượng ở thuỷ doanh Cửa Nhượng về là do không muốn cho họ Trần thêm gánh nặng mà khó chịu.

Họ nổi tiếng kinh thương hàng hải, có xưởng đóng tàu vận tải, do nhiều công tượng. Nếu Thằng San chiến hạm cần bảo dưỡng thì vào đó không phải tốt hơn à.

Mà thôi kệ thằng này , nó gàn giống cha nó cho nên cứ chiều ý là được , khỏi cần quan tâm nhiều chi.

“ 30 thợ nhé…”

“ Thầy ơi … trò khổ lắm….”

“ 50…”

“ Thày ơi thương trò San…”

“ 100 , mi gàn vừa thôi cẩn thận thằng cha mi đánh cho tuốt xác…”

Cụ Bình không kiên nhẫn vỗ bàn.

Không phải cụ không cho nhiều hơn được mà là cụ nhận tiền mà làm việc không đúng thì xấu hổ lắm.

Chuyện nó là như vậy.

Thời Minh Mạng thì thuỷ binh nhà Nguyễn khá mạnh, Ước chừng có đến 60-70 ngàn thủy binh được chú trọng phát triển. Đội thuyền binh có khoảng 8000 chiếc, không kể thuyền vận tải.

Trong lực lượng thuyền binh Nguyễn thời kỳ này đã có những chiếc thuyền được thiết kế theo kiểu chiến thuyền của châu Âu, trang bị mỗi thuyền 36 pháo. Có 200 pháo thuyền trang bị từ 16-22 khẩu pháo. Có 100 đại chiến thuyền với 50-70 mái chèo được trang bị pháo và cự thạch pháo. Còn lại khoảng 500 chiến thuyền loại 40 mái chèo và trang bị một pháo loại súng thần công.

Nhưng đó là thời Minh Mạng, tấp nập đóng chiến thuyền cho nên công tượng đội phát triển mạnh mẽ.

Đến thời Tự Đức lúc này quân đội bỏ bê lắm, làm gì có chiến hạm đóng mới, chiến hạm cũ thì không có tiền bảo trì đúng cách mà ngày càng hư hại.

Vấn đề là số lượng công tượng đóng tàu từ thời Minh Mạng vẫn còn đó. Trong biên chế quân hộ không thể vô cớ đuổi họ. Không có đóng tàu mới, không có tiền cấp lương. Nhóm này đúng là khổ hơn cả quỷ và là gánh nặng cho bất kể vị quản lý nào của vùng duyên hải.

Võ Trọng Bình hắn có bao nhiêu công tượng đang phải nuôi cơm chùa? Gần 500 mống và người nhà của bọn họ.

Cho nên nghe nói thằng San muốn thì ông ta muốn đẩy luôn 400 tên cho San ấy chứ. Chỉ cần 100 công tượng đủ cho bảo dưỡng tàu chiến ở Nghệ An rồi. Nhưng làm thế thì quá quắt lắm, thằng Cán nó biết được nó cười cho.

Thày già rồi mà đi lừa con nít... cho nên thầy Bình mới cáu lên đập bàn chửi San gàn dở.

Thằng San trước khi đến xin thợ đã điều tra qua tình hình rồi, hắn biết tình trạng này cho nên thày có đập bàn hắn cũng chẳng hãi gì.

“ Mảnh hiếu tâm của trò mà... híc... muốn san sẻ gánh nặng cho thày thôi. Thày liêm khiết trong sạch lấy mô ra tiền mà nuôi lắm như rứa công tượng. Nhà trò có tiền, tặng thầy nhiều cũng làm thày mang tiếng, chi bằng đẩy gánh nặng cho trò có hơn không...”

Thằng San bị mắng không dám cãi nhưng sụ mặt đứng đó làu bàu...

Nó làu bàu to đến độ thày Bình cũng nghe thấy...

Xúc động a!

Một mảng hiếu tâm!

Nhà họ Trần thằng con hơn thằng cha rồi, biết nghĩ cho thày lại quan tâm danh dự của thày....

TỐT... TỐT ... TỐT.

Thày Bình xúc động lắm lắm rồi, thế nên hạ giọng hỏi nhỏ.

“Nhà mi nuôi được bao nhiêu, Thằng Cán hấn có ngại không đó?”

“Thày quan tâm gì ông ấy... gàn. Trò nuôi được trên ngàn công tượng, thày không gánh được thì đưa hết cho trò. Công thày nâng đỡ trò biết lấy gì báo đáp. Tiền bạc thô tục quá, gánh nặng này để trò mang đi... nhà trò có rất nhiều tiền...”

Thằng San “thật thà” thưa...

“Tốt hiếu tâm. Như rứa ngày mai mi qua quân doanh, chọn lấy bốn trăm hộ công tượng mang về Hà Tĩnh...”


Thiên thu, vạn cổ, sách ghi tên.
Triệu hoán kỳ tài, vượt giới lên.
Nhiệt huyết dâng trào, Thiên Mệnh Chiến.
Quần long hội tụ, mấy ai quên?