Vạn Xuân Đế Quốc

Chương 19: Ánh sáng trong đêm đen




Bốn mắt nhìn nhau chớp chớp lấy vài cái trước khi Bình đưa tay che miệng cười:

-Ôi chao! Như vậy sau này có khi anh phải gọi chị Duệ là chị mất thôi, à không, có khi phải gọi là cô không chừng.

Cự Lượng nhăn mặt không hiểu cô em nuôi định ám chỉ điều gì, Bình lập tức giải thích:

-Đâu đó khoảng tầm bốn tháng trước bọn em đi săn, trên đường về vô tình gặp một ông chú ngồi gặm ngô dưới gốc báng suýt nữa bị rắn cắn. Em với chị Xuân ra tay kịp nên vớt lại được một mạng. Mà anh có biết chuyện gì xảy ra không?

Cự Lượng lắc đầu, Bình kể tiếp mặc kệ Duệ chau mày tỏ ý không vừa lòng.

-Ông chú ấy sợ tiểu tiện ướt hết cả quần anh ạ, sợ tí nữa thì vỡ mật.

Cự Lượng dè bỉu:

-Chuyện đấy có gì đáng cười, sợ quá thì vậy chứ sao. Hồi nhỏ ai chẳng đái dầm?

-Nhưng ông chú đấy có phải trẻ con đâu cơ chứ?

-Đấy không phải là một ông chú mà một chàng thanh niên, tuổi áng chừng cũng tầm anh là cùng thôi, anh ta cao chừng… chừng hơn năm thước, tầm đấy.

Duệ đành phải xen ngang vì Duệ vẫn tin vào những gì cô từng nghĩ là đúng. Cự Lượng chú ý ngay bởi thanh niên cao hơn năm thước không phải là nhiều. Duệ nói thêm:

-Sở dĩ em nghĩ như vậy là vì hai bàn tay của anh ta rất giống một nho sinh, bàn tay của kẻ cầm bút chứ không cầm cuốc vỡ đất. Hai bàn chân cũng không gân guốc, gót chân có phần hồng hào, chứng tỏ rất ít khi đi chân đất.

Cự Lương đã ngồi ngay ngắn chăm chú lắng nghe bởi anh biết Duệ là một cô gái thường hay quan sát và phán đoán rất tốt. Chẳng riêng Cự Lượng mà ngay cả Quang Diệu đang ngồi phệt dưới đất vót tên cũng đã ngừng tay.

-Anh ta đứng dưới dốc, em đứng trên cao mà vẫn chưa cao bằng anh ta nên em đoán anh ta cao chừng ấy. Chị Xuân với cái Bình thì bảo là ông chú, ấy là do râu ria mọc lởm chởm, hai gò má sạm đen chắc do cháy nắng.

Duệ nói chậm rãi, rành mạch từng câu từng chữ. Chẳng biết có ai nhắc mà hai đám chơi cờ bỗng im bặt quay sang hóng chuyện.

-Mấy ngày sau… đúng… tầm mấy ngày sau em không nhớ rõ nữa… sao nhỉ… à… đúng. Người đó là bị cháy nắng, kiểu như ít ra nắng xong bị sạm đi ấy. Chứ không phải bánh mật như các đây, em chắc chắn như thế vì da của các anh bánh mật nhưng sáng bóng còn anh ta thì mới chỉ sạm đi thôi.

-Vậy thì cũng chưa có gì lạ cả! – Võ Văn Dũng đứng nghe từ nãy giờ mới lên tiếng.

-Đúng! - Duệ gật đầu. - Nểu chỉ có vậy thì không lạ gì sất song có hai điều khiến em suy nghĩ nhiều ngày, tối nay cái Bình nói nên em sực nhớ ra.

-Điều gì? Hay nó là quân do thám của Vũ Ninh vương? - Cự Lương hỏi.

-Đầu tiên ấy là đám trẻ mục đồng gọi anh ta là thầy! Em không nghe nhầm đâu, gọi là thầy đấy.

-Ư… trẻ chăn trâu gọi là thầy gì có gì? Có khi hắn ta dạy chúng thứ gì đó thì sao? - Lại là Võ Văn Dũng.

-Được! – Duệ đột ngột đứng dậy, hai tay chống xuống mặt bàn nhìn quanh một lượt. - Vậy tất các anh chị em ở đây, cả người từ bé ở làng lẫn các anh mới đến, các anh chị đã từng gọi ai là thầy?

Mọi người quay sang nhìn nhau, Duệ nhìn Bình, Bình le lưỡi trêu khiến Duệ phải nhịn cười.

-Chúng ta ít gọi là thầy mà thường gọi sư phụ bởi chúng ta học nghệ, ít học chữ nghĩa. - Duệ nói tiếp. – Các anh ở đây có một số anh mới đến từ các giáp, các anh thử nhớ xem có thầy đồ nào dạy chữ cho trẻ nhỏ mà tuổi chưa đến băm không?

Không khí im lặng trong giây lát trước khi xôn xao, cuối cùng chẳng ai trả lời được câu hỏi của Duệ.

-Điều thứ hai, ấy là ngay khi đám mục đồng gọi anh ta là thầy thì anh ta, mặc dù vừa sợ đến ướt cả đũng quần, vẫn kịp dùng ánh mắt lườm đám trẻ. Em đứng gần nên nhận ra, cử chỉ này chỉ thoáng qua rồi ngay sau đó anh ta lại lảng tránh ánh nhìn của bọn em, cụ thể là em. Bây giờ nói lại điều này em lại càng thêm chắc rằng nhân thân của anh ta có bí ẩn.

-Một ẩn sĩ à? – Ai đó hỏi?

-Một Nho sĩ ư? - Một người khác đặt câu hỏi.

Mỗi người một câu, bỗng chốc ngôi nhà lớn trở nên ồn ào, Quang Diệu phải lên tiếng nhắc mới thôi.

-Cứ cho là em nói đúng, rồi sao nữa? – Quang Diệu bây giờ mới hỏi.

-Anh ta tên Chương, người thôn Đường Vỹ.

-Ây sai rồi! – Cự Lượng lập tức cắt ngang. – Cái thôn đấy không có người nào nhân dạng như em nói, anh chắc đấy.

-Thằng bé mục đồng loắt choắt tên gì Bình nhỉ?

-Nó tên Tôn. – Bình đáp.

-Anh có biết thằng đó, có gặp đôi lần, nhà nó gần nhà bà Cả Ngư. - Cự Lượng khẳng định.

-Anh biết thằng cu Tôn bảo gì không?

Duệ hỏi ngược lại Lượng, Lượng lắc đầu.

-Thằng bé bảo anh chàng tên Chương đó là cháu bà Cả Ngư mới từ nơi khác đến.

-Không thể nào, không thể nào! - Lượng xua tay. – Em gặp tay đấy lâu chưa nhỉ?

-Chừng bốn tháng trước, khoảng đấy. – Bình trả lời thay cho Duệ.

-Dạo ấy bọn anh sục sạo suốt ở làng ấy, có thấy người lạ nào đâu? Làng đó bọn anh nhẵn mặt vì ít người. Tên có thể không nhớ hết nhưng mặt thì nhớ. - Lượng một mực khẳng định. - Chắc thằng bé ấy nói láo.

Tranh luận sôi nổi, bỗng dưng Bình như nhớ ra điều gì liền hỏi Cự Lượng:

-Bà Cả Ngư là người gốc làng đó hay từ nơi khác đến hả anh?

-Dòng tộc có hơn chục nóc nhà đều ở làng đó mấy đời rồi. Chồng bà ta họ Trần, tên là Lăng, nghe nói lúc ở làng là ngư phủ. Con trai cả băm mấy gần bốn chục tuổi tên là Kình Ngư. À… có khi nào ông Kinh Ngư đó trốn từ Bát Vạn về sợ bị bắt nên trốn vào núi không nhỉ?

Tất nhiên không ai trả lời được câu hỏi của Cự Lượng song ai nấy cũng gật gù theo đuổi những suy nghĩ riêng.

-Bà cụ ấy họ gì hả anh? - Vẫn là Bình.

-Họ Ngô! - Lượng đáp.

-Khoan đã! – Bình chợt đứng phắt dậy giơ một ngón tay sờ nhẹ lên trán, hai mắt nhắm lại ra chiều đang suy nghĩ. - Vậy… nếu bà đó người làng thì sao lại có cháu ở nơi khác đến sống cùng? Cứ cho là có thể ông Kình Ngư trốn được về nhưng nếu là ông ta thì thằng cu Tôn không thể gọi là thầy. Họ là hàng xóm láng giềng, đúng chứ anh?

-Ừ nhỉ? - Cự Lượng nghệt mặt, hai mắt chớp chớp.

-Hoặc là cháu bên chồng, có thể là vậy. Họ Trần thì vùng này cũng không hiếm.

Một người nào đó đứng lẫn trong đám đông nhận định, nhận định này rất có lý khiến có người thở hắt ra chán nản rời đi vì chuyện chẳng có gì hấp dẫn nữa. Đám đông giải tán, chỉ còn lại vài gương mặt quen thuộc, Bình và Duệ cùng ngồi xuống song như thể tâm ý tương thông, cả hai cô nàng đều đứng bật dậy nói lớn:

-Khoan đã!

Rồi quay sang nhìn nhau, Bình lên tiếng trước:

-Này! Chị đừng có bảo là đang nghĩ điều em nghĩ nhé?

Chỉ một thoáng giây, bỗng dưng Duệ cảm thấy hởi thở mình bỗng trở nên gấp gáp, đôi chân như muốn nhũn ra, đôi bàn tay khẽ run rẩy.

-Có chuyện gì mà khoan với đã? - Cự Lương cáu kỉnh.

-Anh nhớ câu sấm cha từng đọc chứ? bốn câu, bốn câu ấy?

Giọng Bình có phần gấp gáp, nghe kỹ thì có phần run run không giữ được bình tĩnh. Lượng đọc một mạch bốn câu, Bình bảo đọc lại một lượt, đến lượt thứ ba mới đọc được hai câu thì Bình giơ tay ngăn lại:

-Anh đọc lại hai câu, thật chậm thôi, từng chữ, từng chữ xem nào.

Lúc này gai gốc đã nổi khắp người, một cơn ớn lạnh chạy dọc sống lưng Bình, gần bên cạnh, Duệ cũng không khác là mấy. Cô đứng như tượng, đang cố xâu chuỗi các sự việc lại với nhau. Cự Lượng đọc chậm rãi hai trong bốn câu sấm “Ngô nhưng không ngô…” và rồi anh nhìn Quang Diệu, Quang Diệu nhìn thị Xuân nhưng chưa ai dám nói ra suy nghĩ. Đúng hơn là họ đang có nghĩ xem có đúng không.

-Như chị Duệ nói dạo trước, “ngô nhưng không ngô” chính là người nhà họ Ngô nhưng không mang họ Ngô hoặc… ở ké nhà họ Ngô.. Chính là ứng với câu đầu tiên, kẻ đó không phải con cháu họ Ngô. Trước dây anh em mình cứ nghĩ nhà họ Ngô trong vùng nhận con nuôi hoặc có ai đó cải họ chứ chả bao giờ nghĩ đến điều này. Có khi chính ông chú đấy cũng không chủ đích mạo nhận họ Ngô mà do kẻ khác nói láo.

Bình là một cô gái thông minh, lần trước hai câu sấm cũng là cô đưa ra nhận định khiến Phạm Tu rất hài lòng. Lần này ngoài cô còn có Duệ nữa.

-Anh Diệu! - Duệ nói với Quang Diệu, giọng vẫn chưa trấn tĩnh. – Anh… anh mau tập hợp binh mã, ngay lập tức đến nhà bà Cả Ngư đó xem danh tính anh ta. Mình phải đi ngay anh ạ, không được trễ nải dù chỉ một khắc.

-Được, anh lập tức cho tập hợp.

Quang Diệu chưa chạy ra đến cửa thì Cự Lượng cũng theo sát gót, Bình cũng không chịu ở lại, Duệ gọi giật giọng:

-Anh Diệu! Anh Dũng! Anh Lượng! Hãy nhớ lời cha dặn, chúng ta tìm được, nếu đúng thì mời người ta về chứ không phải bắt, đừng quên.

Diệu gật đầu nhảy ra khỏi cửa, biến mất trong bóng tối. Đám còn lại nối gót. Xuân chuẩn bị chạy đi thì Duệ ngăn lại:

-Chị phải ở nhà với em, chị bỏ em ở đây à?

-Hừ! Xem ra con Bình nó nhanh chân hơn chị nghĩ.

-Chị phải ở lại. Chị ra đó nhắc anh Diệu tuyệt đối không được để ai làm bậy. Nếu có điều gì không may xảy ra thì biết ăn nói sao với cha? Đúng sai chưa biết, mới chỉ là phỏng đoán nhưng dù đúng dù sai cũng không được làm việc càn quấy, nhất là anh Lượng ấy. Trăm sự nhờ chị.

Xuân khẽ gật đầu rồi phi nhanh ra cửa biến mất. Chỉ còn lại một mình bên ngọn đèn, Duệ xếp sổ sách sang một bên rồi đến trước ban thờ tiên vương thắp hương. Cô quỳ quỳ xuống, nước mắt đầm đìa:

-Tiên vương! Người linh thiêng ở trên cao chứng giám, cầu mong chàng trai ấy chính là người mà cha của thần đã mong chờ mòn mỏi bấy lâu nay như nắng hạn chờ cơn mưa rào. Nếu quả thật đó là người chúng thần mong đợi, cúi xin tiên vương xếp đặt để mọi chuyện được xuôi chèo.

Duệ đứng bên cửa thấm nước mắt trông theo bóng những ngọn đuốc cháy rực trong đêm lần lượt đi ra khỏi cổng làng Nhất Vạn mãi cho đến khi chỉ còn màn đêm yên tĩnh. Xuân đã trở lại, đứng dưới mái hiên tựa lưng vào cột gỗ nói với Duệ:

-Đừng lo, trực giác mách bảo chị rằng đấy chính là người cha đang tìm kiếm bấy lâu.

-Em cũng mong như vậy.

-Chị đã dặn dò kỹ các anh ấy rồi nên em hãy an tâm.

-Từ đây đến làng đó chừng bao xa hả chị?

-Nghe nói chỉ hơn mười dặm đường.

-Chị có thể cắt cử người báo tin cách nhau chừng hai dặm chứ? Phòng trường hợp có tin cấp báo.

-Chị đã lo xong rồi, em là em của chị, chị hiểu em mà. Hừ! Chỉ có con Bình là ngư ông đắc lợi, nó còn ba chân bốn cẳng phi ngựa chạy trước. Con ranh, chắc nó muốn xem có đúng gã đó cao như em nói không đó mà. Hừ!

-Chả phải chị có anh Diệu rồi à? Tranh với em nó làm gì?

-Có thì không được phép ngắm hả em? Ai cấm?

-Chị nói phải vì chị có bản lĩnh. - Duệ bật cười.

Duệ lo xa là phải, Duệ lo các anh hấp tấp làm hỏng chuyện nhưng người gây chuyện lại chính là cô em nhanh nhảu chạy trước đoàn quân.












Thể loại sư đồ cực hay và đang hót. Sư phụ ( main) đóng vai trò làm nền, lão đại sau màn, ít xuất hiện, mỗi lần xuất hiện là diệt tông diệt tộc. Các đồ đệ đất diễn nhiều, xoay quanh cốt truyện của các đồ đệ, cốt truyện main chủ yếu về sau.