Tiểu Thuyết Conan: Kudo Shinichi Trở Lại ( Bí Ẩn Truyền Thuyết Thần Chim)

Chương 3: Lễ hội Otori ba trăm năm một lần



Chiếc xe Benz màu đen tuyền chạy chầm chậm trên con đường nhỏ dọc theo cánh đồng trồng đầy ngô.

Shinichi ngẩng đầu, tò mò nhìn cánh đồng ngô trước mặt:

- Ngô? Phải rồi, nông thôn vùng này nổi tiếng về các loại ngũ cốc, và nông sản chính của họ là ngũ cốc.

Sonoko vốn đang hứng thú với anh chàng quay phim nên bắt đầu tìm cách lân la thu thập thông tin.

- Bác ơi, cháu nghe mấy người trong đoàn làm phim nói về di tích Teotihuacan, nó là di tích như thế nào ạ?

- Tầm năm một nghìn hai trăm Trước Công nguyên, ở vùng Trung Mỹ có nhiều nền văn minh phát triển - ngày nay đó là vùng từ cao nguyên Mexico đến vùng trung bộ nước Mỹ, phần kênh đào Panama ấy. Có thể kể đến các nền văn minh như Olmeca(12), Maya(13), Teotihuacan… Tuy nhiên các nền văn minh này đều đột ngột biến mất một cách bí ẩn.

- Ở Trung Mỹ ạ?

- Dường như một bộ phận đã di cư đến vùng Nam Mỹ, bác thì nghĩ là có lẽ họ cũng di cư đến những nơi khác.

- Ví dụ như Bắc Mỹ? - Sonoko hỏi.

- Không, có lẽ phải xa nữa.

- Ý bác là châu Phi ạ?

- Không, theo bác nếu họ di cư tới châu Phi thì ngược hướng tới Nhật Bản rồi.

- Sao? Nhật Bản ạ? - Không chỉ Sonoko mà cả Ran lẫn bà Eri đều sửng sốt.

- Thật ra tầm mười hai nghìn năm trước, chủng người Mongoloid(14) đã di cư từ châu Á sang đại lục Bắc Mỹ, sau đó họ di chuyển xuống Mesoamerica và xây dựng nền văn minh mới.

- Sao cơ? Thế tức là nền văn minh Olmeca và Maya cổ đại là do chính tổ tiên Mongoloid của chúng ta xây dựng nên sao? - Sonoko cao giọng hỏi một cách đầy ngạc nhiên.

- À há, châu Á và châu Mỹ ngày xưa vốn không bị ngăn cách bởi eo biển Bering(15) đâu nhé, nó đã từng là một đại lục thống nhất. Sau đó chủng người Mongoloid ở vùng Siberia(16) đã theo đuôi các loài voi ma mút, tuần lộc… di cư xuống Nam Mỹ, rồi chuyển xuống miền trung nước Mỹ.

- Không thể nào tin nổi! - Ngay đến Ran cũng không thốt nên lời trước thông tin này.

- Không có gì khó tin cả, người ta đã xét nghiệm ADN của chủng người Trung Mỹ thời nay và chứng minh được điều trên là có thực. - Shinichi góp lời.

- Chính xác. - Ông Wakura gật gật đầu.

- Thật thế sao?

- Nhưng theo bác, tại sao họ lại một lần nữa quay về Nhật Bản ạ? - Shinichi hỏi ông Wakura.

- Bác tin rằng con người cũng như các nền văn minh đến cuối cùng vẫn quay về cội nguồn của mình.

- Quay về cội nguồn ạ?

- Từ ngày xưa, người Nhật đã thu thập những món đồ như gương đồng, chuông đồng, vương miện từ Trung Quốc, bán đảo Triều Tiên. Nhưng sau đó Nhật Bản lại xuất khẩu những món đồ như ngọc bích trang trí vương miện sang các nước đó.

- Ồ, ngọc bích là đá quý đúng không ạ? - Sonoko chồm người lên để nhìn ông Wakura đang ngồi ở vị trí trợ lại.

- Chính xác.

- Thảo nào, trong những vương miện cổ khai quật được ở bán đảo Triều Tiên có đầy những ngọc bích trang trí chỉ có ở Nhật Bản bây giờ. - Shinichi trầm tư vừa khoanh tay vừa nói.

- Đúng là một nội dung tiểu thuyết tuyệt vời. - Gương mặt bà Eri không biết từ bao giờ đã trở nên vô cùng hào hứng.

Tuy nhiên Misa đang lái xe thì giữ gương mặt lạnh lùng, cô lầm bầm gì đó trong miệng.

- Ồ, chị Misa không hứng thú với việc này sao ạ? - Sonoko ngạc nhiên hỏi.

- Ừ, ngôi làng này từ xưa đã có truyền thuyết về Thần Chim rồi. Chị không nghĩ là nó có liên quan đến nền văn minh Olmeca hay văn minh Maya đâu.

- Hừ, đúng là đứa con gái chẳng có khiếu làm tiểu thuyết gì cả. - Wakura bất mãn nói, chân mày ông cau lại.

Đúng lúc đó, bà Eri đột nhiên nhìn thấy trên thân cây liễu sam(17) lớn trước mặt có dây thừng rơm(18) quấn qua. - Nhìn kìa, cái cây lớn kia có quấn dây thừng rơm. Điều này có ý nghĩa gì không nhỉ?

- Đó là cây Tế thần của lễ hội Otori đấy ạ. - Misa vừa lái xe vừa trả lời.

- Đúng vậy, người ta truyền miệng rằng người ngày xưa đã từng chọn người làm vật tế sống cho Thần Chim, xiên xác họ cắm trên cây liễu sam đó. Mục đích là để xoa dịu cơn tức giận của Thần Chim, cầu mong ngũ cốc bội thu, nạn đói và thiên tai không xảy ra. Lễ hội này thường tổ chức ở các vùng của làng.

- Ở nhiều vùng sao? Có những cây lớn dùng để xiên thây con người làm vật tế ạ? - Ran vốn sợ mấy câu chuyện rùng rợn nên vừa hỏi vừa run run.

- Ha ha ha, không sao đâu. Đó chỉ là chuyện ngày xửa ngày xưa thôi. - Ông Wakura nhìn vẻ mặt sợ hãi của Ran qua gương chiếu hậu, bật cười.

Shinichi nghĩ về sự liên hệ giữa nền văn minh Mesoamerica và Nhật Bản, cậu hỏi ông Wakura:

- Phải rồi, ngay cả trong nền văn minh của người Maya hay Aztec(19) ngày xưa, thần Mặt Trời mà họ thờ cúng cũng đòi vật tế đúng không ạ?

- Vị thần Mặt Trời của người Aztec tên gọi là Huitzilopochtli, là vị thần đánh tan màn đêm và mang đến ánh sáng mỗi ngày cho nhân gian. Ánh sáng mang lại hoa trái cho cây trồng cho nên vị thần này có vị trí cao trong số các vị thần, là tượng trưng cho sự màu mỡ. Ngược lại, đối đầu với ngài là thần Đêm Tối Tezcatlipoca. Người Aztec rất lo sợ thần Huitzilopochtli sẽ thua thần Tezcatlipoca khiến cho họ không nhìn thấy ngày mai, cả nhân loại bị bóng đêm thao túng. Bởi vậy họ đã dâng lên vị thần Mặt Trời vật tế mà ngài thích: trái tim con người.

- Sao cơ? Tim người ấy ạ? - Gương mặt Ran toát lên sự sợ hãi.

- Bố ơi, dừng ở đây được rồi đấy ạ. - Misa nghiêm nghị nói.

- Không không, em còn muốn nghe tiếp mà. - Gương mặt Sonoko hoàn toàn trái ngược với Ran, đôi mắt sáng long lanh đầy phấn khích.

- Sonoko, cậu thật là… - Ran nói như sắp khóc.

- Không sao đâu mà. Bác ơi, kể cho cháu nghe tiếp đi ạ.

- Ok. Thế này nhé, mỗi ngày tại điện thờ của người Aztec đều diễn ra lễ lấy vật tế mà nhà vua sẽ dâng lên thần Mặt Trời Huitzilopochtli. Có sáu thầy tế, trong đó năm người sẽ giữ chân tay và đầu của vật tế, người còn lại sẽ mổ phanh ngực vật tế lấy tim ra và dâng lên thần Mặt Trời trong khi nó vẫn còn đang đập.

-… - Ran sợ đến mức phải lấy cả hai tay bịt tai lại.

- Vật tế thường thường là các tù binh chiến tranh. Người Aztec duy trì chiến tranh để đảm bảo luôn luôn có vật tế. Mỗi lần chiến thắng thì lãnh thổ, tù binh, của cải đều tăng lên, đồng thời họ lại có thể tiếp tục dâng tế tim của nhiều tù binh. Chỉ cần dâng lên tim người thì thế lực của thần Mặt Trời tăng lên, bóng đêm bị đẩy lùi và hứa hẹn hoa màu bội thu. Bởi vậy họ luôn khát khao mong muốn cuộc chiến tiếp theo.

- Đúng là một tập quán lệch lạc. - Misa lạnh lùng nói.

- Hoàn toàn không lệch lạc đâu. - Ông Wakura nói quả quyết. - Dù là nền văn minh nào đi chăng nữa, nếu muốn phát triển thì việc con người cần làm là như nhau. Đó là đấu tranh rồi lại đấu tranh, chiến thắng rồi lại chiến thắng. Xã hội của chúng ta bây giờ có người quá mức thờ ơ lãnh đạm, làm sao chúng ta có thể thắng nổi ngoài thế giới.

- Bố đang nói tới những nhân viên trong công ty phải không ạ? - Misa nhìn sang ghế bên cạnh nơi ông Wakura đang ngồi.

- Ôi dào, mấy người đó nghĩ ngợi cho lắm rồi lao động quá sức mà chết. Lại thêm mấy tên giám đốc nhà hàng đi ghét sự tranh đấu nữa chứ. Những người đó, họ tưởng nhầm thế giới này là thiên đường con ạ. Bố thấy chính những người của nền văn minh Mesoamerica mới là những người sống cho ra sống đấy.

- Nền văn hóa đem con người ra cúng tế là nên văn hóa nhân loại sao bố? - Misa hỏi.

Đúng lúc đó bà Eri mở lời:

- Có lẽ đúng là như vậy. Nhưng xã hội bây giờ cũng giống y chang thế đấy. - Bà vừa nói vừa nhìn xa xăm.

- Tại sao ạ?

- Trong xã hội cạnh tranh bây giờ, con người không đến mức đánh đổi tim người, nhưng họ đánh đổi thời gian của chồng con, của người yêu hoặc thời gian tự vấn bản thân để có thể liên tục giành chiến thắng. Càng chiến thắng nhiều thì họ càng giàu có, nhưng lại càng không thể thỏa mãn h.am m.uốn của họ. Trong khi đó đối thủ cạnh tranh càng ngày càng nhiều, cho nên nếu không làm gì thì không thể tiếp tục thắng được. – Bà Eri như thể đang nói chuyện của chính bản thân mình.

- Eri nói chuẩn đấy. Dù thứ đánh đổi có thay đổi theo thời gian, nhưng chúng ta đều đánh đổi thứ quan trọng nhất của mình để chiến đấu trong cái xã hội đầy cạnh tranh bây giờ. Nhưng mà không ai có thể thoát khỏi xã hội cạnh tranh này hết. Cho dù anh có định bỏ việc để chuyển đến nông thôn sinh sống, hay anh định rời bỏ mọi dục vọng để thành Phật đi chăng nữa, một khi còn sống trong xã hội loài người thì anh vẫn bị bao vây bởi quy luật đấu tranh. Tuyệt đối không thể thoát ra được.

- … - Mọi người đều trở nên trầm mặc sau câu nói nghiêm túc của ông Wakura.

- Có lẽ là như vậy, nhưng mà… Ngôi làng này là làng Thập Ngũ Dạ đúng không ạ. Nếu nó có q.uan hệ với văn minh Mesoamerica, vậy thì không phải thần Mặt Trời Huitzilopochtli được tôn thờ mà là thần Đêm Tối Tezcatlipoca đúng không ạ?

- Ừ, Sonoko nói đúng. Thần Đêm Tối thì chắc chắn không mong muốn nhiều vật tế đâu. - Bà Eri tán thành ý của Sonoko.

- Có lẽ đúng vây, ha ha! - Ông Wakura vừa nói vừa cười, nhưng đôi mắt ông lại không hề cười.

Chiếc xe Benz chở mọi người đi sâu vào khu rừng cây cối rậm rạp. Xe chạy được một lúc, mọi người đột nhiên nhìn thấy những người ở đài truyền hình đang đứng trước ngôi đền lớn, các đồ nghề chụp ảnh quay phim đã được bài binh bố trận xong xuôi.

- Dừng xe dừng xe! - Sonoko vừa nhìn thấy anh thợ quay phim thì đã lớn tiếng kêu.

Misa giật mình vì tiếng kêu, không nghĩ ngội mà đạp phanh xe.

- Úi! - Mọi người mất đà chúi về phía trước. Chỉ có Sonoko là nhanh như máy nhảy xuống xe phi thẳng đến chỗ đám người của đài truyền hình.

- Đúng là, nếu cứ nghe theo “mụ” đó thì có mà… - Shinichi suýt nữa đập đầu vào ghế lái phía trước, nhưng cậu không buồn “truy cứu” mà theo sau Sonoko đi tới chỗ nhóm người của đài truyền hình.

Anh chàng trợ lý đạo diễn Okada đang kiểm tra pin chiếu sáng, nhìn thấy Sonoko thì tỏ vẻ ngạc nhiên.

- A, mấy người lúc nãy…

- Chào anh, lại gặp anh rồi. Anh đang làm gì thế?

- Chúng tôi nghe nói ba ngày nữa trong thôn sẽ có lễ hội, nên bọn họ đang đợi để hỏi thăm thầy tế.

Theo chỉ tay của trợ lý đạo diễn Okada, Sonoko nhìn thấy anh chàng thợ quay phim Maeda và cô phóng viên Yayoi đang đứng trước ngôi đền cổ.

- Hả, có lễ hội sao?

- Đúng vậy. - Tiếng một người con trai vang lên sau lưng Sonoko. Cô giật mình quay lại, và thấy một anh cảnh sát trên dưới hai mươi tuổi đang ngồi trên xe đạp nhìn chằm chằm cô bằng vẻ tò mò.

- Xin… xin chào anh. - Sonoko lúng túng cúi đầu chào.

- Xin cho hỏi cô từ đâu tới đây vậy? - Người cảnh sát hỏi Sonoko bằng giọng điệu hơi lơ lớ nhưng nghiêm túc.

- Từ đâu là sao?

- Cậu làm việc thật chăm chỉ Haji ạ? - Trong khi Sonoko đang lúng túng, ông Wakura đã bước xuống từ chiếc xe phía sau và thân thiện mở lời. Nhóm Shinichi cũng xuống xe cùng với Wakura.

- A, bác Wakura? - Haji vừa nhìn thấy Wakura thì vội vã c.ởi mũ chào.

- Mấy người này không phải người lạ, họ là khách tôi mời tới đấy.

- Vậy sao? Nếu là khách của bác thì không sao ạ. Thật xin lỗi vì đã thất lễ. Lúc nãy người làng thông báo có một nhóm người lạ từ lưng núi xuống, ầm ĩ đi qua cầu treo nên cháu phải đi tuần tra. – Haji vừa nói vừa cúi đầu xin lỗi Sonoko.

- Cậu làm việc thật chăm chỉ. Nhưng này Haji, tại sao nhóm người của đài truyền hình lại ở trong đền kia vây? – Ông Wakura vừa chỉ nhóm người đài truyền hình vừa tò mò hỏi.

- Họ muốn lấy thông tin về lễ hội bằng được đấy ạ.

- Lễ hội ạ? – Ran tỏ vẻ bị thu hút.

- Ngôi đền này tên là Mozutobi(20), là nơi thờ cúng Thần Chim, nhưng Thần Chim thì luôn muốn có vật tế.

- Tế xác đúng không ạ? Mà khoan… Bây giờ vẫn thế ạ? – Sonoko sợ hãi hỏi Haji.

- Ha ha ha, không đâu. – Haji cười mà thoáng nét đau khổ.

- Tuy nhiên, mọi người coi, ở đằng kia có vật trông giống băng ghế làm bằng khúc gỗ lớn đó. – Haji chỉ vào vật bà Eri đang ngồi lên. Đó là vật được chế bằng cách để khúc gỗ gác ngang lên hai đầu bệ đỡ. – Nó được gọi là “Giá đáp tọa của thần linh”.

- Hả, cô tưởng nó là cái băng ghế? – Eri ngạc nhiên nhìn lại thứ bà đang ngồi lên.

- Không phải. Đó là nơi tế Thần Chim đáp xuống đó.

- Sao, Thần Chim? – Bà Eri vội vàng đứng dậy và ngồi xuống tảng đá tròn lớn bên cạnh.

- Nghe nói rằng ngày xưa vật tế của làng sẽ được cột dính vào “Giá đáp tọa của thần linh”, mục đích là để cầu mong Thần Chim ban cho một mùa ngũ cốc bội thu hoặc cầu xin không xảy ra nạn đói, thiên tai… Nếu như Thần Chim chấp nhận lời cầu xin thì sáng hôm sau vật tế sẽ xuất hiện trên cây Tế thần, bị xiên qua theo kiểu phơi mồi của chim bách thanh. – Haji chỉ vào một cây to có sợi dây thừng rơm dài đến ba mươi mét cuốn qua, ở giữa cây có một cành cây được vót nhọn sắc đâm chìa ra.

-… - Tất cả im thin thít trước màn “quảng cáo” của Haji.

- Ở đằng kia… - Ran sợ hãi nhìn cái cây chuyên tế xác.

- Ha ha ha, bây giờ không có phong tục đó nữa. Bây giờ nơi đây trở thành nơi mà những người có việc muốn cầu xin sẽ đến ôm khúc gỗ rồi nguyện cầu, nó rất được yêu thích trên mạng bởi là nơi ban sức mạnh, nguyện vọng nhận được sức mạnh từ Thần Chim sẽ trở thành hiện thực đó.

- Thật thế sao? – Sonoko nghe vậy liền tức tốc ôm lấy “Giá đáp tọa của thần linh”. – Ui, nó to quá tay mình chẳng ôm hết được.

Sonoko dùng cả hai cánh tay ôm lấy thân gỗ nhưng vẫn không hết, cô nhăn nhó nói.

- Nhưng thôi kệ đi. Thần ơi, con ước sẽ gặp gỡ một người con trai tốt ạ. – Sonoko nói bô bô chẳng buồn do dự.

- Thần Chim ơi, người hãy đáp ứng nguyện vọng của “mụ” này đi ạ. Sau đó, hãy dùng “mụ” làm vật tế giùm con ạ. – Shinichi chắp hai tay thì thào như cầu nguyện. Xui thay, Sonoko vốn thính tai nên nghe rõ mồn một.

- Shinichi, cậu vừa nói gì hử? – Ánh mắt sắc lẻm của Sonoko lóe sáng.

- Không, tớ có nói gì đâu! – Shinichi cụp mắt xuống cố tỏ vẻ thản nhiên.

- Anh ơi, anh cùng mọi người trong đài truyền hình tới đây là để tìm hiểu về nơi ban sức mạnh này ạ? – Sonoko vừa ôm chiếc cây để vật tế vừa hỏi.

- Đó cũng là một phần, nhưng còn có cả những thứ khác nữa.

- Thứ khác?

- Đúng vậy, lễ hội năm nay có trưng bày đồ vật, ba trăm năm mới tổ chức một lần.

- Hả, trưng bày sao?

- Chị Yayoi đã tìm thấy thông tin này trong sách cổ đại phương ở thư viện quốc gia, nghe nói ở ngôi đền này có một chiếc gương vô cùng linh thiêng mà ba trăm năm chỉ có thể nhìn một lần thôi. Lễ hội ba ngày tới là có thể xem được.

- Bà ngyà nữa là đúng ba trăm năm hả anh? – Nghe Okada nói không chỉ Sonoko mà những người còn lại cũng mở lớn mắt.

- Ba trăm năm mới có một lần, chúng ta đúng là siêu hên rồi! – Ran vui vẻ nhoẻn miệng cười.

- Nó là chiếc gương như thế nào, anh có biết cụ thể không ạ? – Sonoko hỏi trợ lý đạo diễn Okada.

- À, theo sách cổ thì nó là một chiếc gương tỏa ra ánh sáng màu đen.

- Ồ, nếu là gương đồng cổ thông thường sẽ tỏa ánh sáng xanh lục, toàn bộ gương trông như một màu xanh cơ. – Shinichi nói.

- Đúng vậy, nhưng theo chị Yayoi nói thì cuốn văn kiện cổ đó mô tả chiếc gương lại một màu đen tuyền.

- Ồ, rồi sao nữa? – Ông Wakura sốt ruột hỏi.

- Vâng, nghe nói chiếc gương đó cộng hưởng với cái cây Tế thần trong làng này, và đã có chuyện kỳ lạ xảy ra.

- Công hưởng? Chuyện kỳ lạ?

- Chị Yayoi nói lại rằng đó là hiện tượng nhật thực toàn phần.

- Nhật thực toàn phần sao? – Ông Wakura ngẩng đầu hỏi.

Shinichi cũng ngay lập tức nêu nghi vấn:

- Lạ vậy, lần tiếp theo có thể nhìn thấy nhật thực toàn phần ở Nhật Bản phải là năm hai nghìn ba mươi lăm chứ.

- Đúng vậy, điều này chị Yayoi cũng nói là rất lạ. – Okada đồng ý với Shinichi.

- Hic, cứ tưởng là lễ hội gì chứ, hóa ra chỉ là một lễ hội lưu truyền những mê tín không đâu. – Sonoko ỉu xìu nói.

- Không đâu. Càng ngày càng rõ hơn mối liên hệ giữa ngôi làng này với văn minh Mesoamerica đó. – Gương mặt Shinichi trở nên nghiêm túc.

- Đúng, bác cũng nghĩ vậy.- Wakura tán đồng ý kiến của Shinichi.

- Hả, sao lại như vậy? – Ran tỏ vẻ ngạc nhiên hỏi Shinichi.

- Lúc nãy bác Wakura đã nói về nền văn minh Mesoamerica rồi đúng không nào?

- Đúng.

- Vị thần Đêm Tối, thần Tezcatlipoca còn được gọi với biệt danh là “Gương ánh khói”. Cái tên này bắt nguồn từ việc ông ta chiến đấu với một con quái vật trên Trái Đất và bị nó ăn mất chân phải, sau đó dùng chiếc gương bằng đá đen thay cho chân mình.

- Gương bằng đá đen?

- Nãy tớ đã nói, vì gương đồng được làm từ đồng thau nên thường gỉ đồng sẽ xuất hiện làm chiếc gương trở thành màu xanh đúng không? Nhưng trong sách cổ có nói chiếc gương đó lại tỏa ra ánh sáng đen?

- Đúng đúng. – Trợ lý đạo diễn đáp lời scn.

- Như vậy, có thể là chiếc gương đó làm bằng đá đen à?

- Ừ, có nhiều khả năng là thế lắm. – Shinichi trả lời Ran.

- Ái chà, quả không hổ danh là cậu thám tử trung học Teitan được Misa biết đến, bác cũng hoàn toàn đồng ý với cháu nhóc ạ. – Ông Wakura nói một cách cảm phục sau khi nghe phân tích của Shinichi.

- Như thế, làng Thập Ngũ Dạ không phải là nơi thờ thần Mặt Trời mà thờ thần Đêm Tối trong văn minh Mesoamerica? Phù, kiểu này lại có kịch tính rồi đây. – Sonoko nghe Shinichi nói xong thì tính tò mò lại trỗi dậy.

Đúng lúc đó, đột nhiên, tiếng nói khàn khàn già nua của một bà lão vang lên bên tai mọi người.

- Ta đã bảo không được thì tức là không được!

Tất cả hướng về phía phát ra tiếng nói. Phía trước ngôi đền, phóng viên đài truyền hình Yayoi đang cãi nhau với một bà lão chừng trên tám mươi tuổi mặc trang phục màu trắng. Bà lão được người làng xung quanh bảo vệ, nhưng bà gạt đám đông ra và trực tiếp trú giận lên Yayoi. Tuy nhiên, Yayoi được anh thợ quay phim Maeda lực lưỡng bảo vệ nên cũng không chịu thua.

- Nếu ta đã bảo biến khỏi làng này thì hãy biến ngay! Ngôi làng này vốn ba trăm năm nay đều sống rất yên ổn!

- Nhưng chúng tôi cũng có quyền thu thập tin tức chứ? – Yayoi cố sống cố chết nói.

- Không ai có quyền phá vỡ sự yên ổn của ngôi làng này cả! Lễ hội của ngôi làng này tất cả đều do ta chủ trì, lời của ta là tối cao. Ta bảo cút khỏi làng này ngay!

- Đúng vậy, đúng vậy!

Đám người trong làng cùng nhóm người truyền hình bắt đầu xô xát. Anh chàng cảnh sát Haji chen vào đám đông cố gắng hế sức để trấn áp mọi người, nhưng cuối cùng cũng chìm nghỉm trong đám xô xát đó.

- Đúng là một mụ già bảo thủ!

Nghe thấy Yayoi nói, bà lão nhướn mày tức giận.

- Đúng là mất dạy! Các ngươi nghĩ thầy tế chủ trì lễ hội là ai chứ! Rồi ngươi sẽ gặp quả báo!

- Xì, nếu bà làm được gì thì làm đi tôi xem! – Vẻ cười cợt coi thường của Yayoi làm cho xung đột càng trở nên căng thẳng hơn.

Bên cạnh mọi người, đột nhiên có tiếng đập cánh vù vù vang lên, từ trong rừng khoảng chục con chim đồng loạt bay ra.

- Á! – Mọi người đều ngẩng lên nhìn đàn chim bay. Trong khoảnh khắc, một âm thanh kỳ lạ cực lớn dội thẳng vào tai mọi người: “Quéééééccc!”

- Sao ồn ào thế này! – Bà Eri đứng dậy bực tức nói.

- Tiếng gì mà lạ thế?

- Nó có giống tiếng kêu của chim bách thanh không?

- Ừ, nghe có vẻ là như vậy. – Sonoko trả lời Ran.

- Trời. – Bà Eri ngẩng đầu, há miệng, đứng như tượng.

- Mẹ, mẹ sao vậy? – Ran nhìn theo ánh mắt của bà Eri.

- Á!

- Sao thế? Á! – Sonoko vừa ngẩng lên nhìn đã thất thanh kêu lên.

Ở trên cao, anh chàng trợ lý đạo diễn Okada bị cành cây vót nhọn của cây Tế thần xuyên dọc qua thân cơ th.ể.

Tất cả mọi người đều sợ hãi tột độ.

- Đã có chuyện gì xảy ra? – Ran run run hỏi Shinichi.

- Tớ cũng không biết. – Shinichi cũng chỉ biết đứng như trời trồng nhìn Okada bị treo xác trên cành cây y như cách chim bác thanh phơi mồi.

- Tôi là Haji, cảnh sát của làng, xin thông báo có việc khẩn cấp, có việc khẩn cấp!

Haji bủn rủn ngước nhìn thi thể và nói qua máy bộ đàm.

(11) Lễ hội Otori: lễ hội thờ Thần Chim, thờ cúng loài chim lớn.

(12) Olmeca: một trong những nền văn minh lớn đầu tiên ở Trung Mỹ, xuất hiện từ khoảng năm 1250 TCN và biến mất khoảng 400 năm sau đó.

(13) Maya: nền văn minh cổ đặc sắc xuất xứ từ Trung Mỹ, được hình thành và phát triển bởi người Maya - một bộ tộc thổ dân ở phía Nam Mexico, trải dài đến phía Tây Honduras. Vào hoảng thế kỷ thứ 8 và 9, nền văn minh Maya bắt đầu suy tàn.

(14) Chủng người Mongoloid: hay còn gọi là Đại chủng Á, là những người sống ở Đông Á, quần đảo Indonesia cùng các quần đảo khác tại Ấn Độ Dương và châu Mỹ.

(15) Eo biển Bering: Biển Bering là khu vực nước biển ở phần cực bắc của Thái Bình Dương, trong thời kỳ băng hà gần đây nhất mực nước biển đã thấp đủ để cho con người và các động vật khác di cư từ châu Á sang Bắc Mỹ bằng cách đi bộ dọc theo eo biển mà ngày nay được gọi là eo biển Bering, nằm ở phía Bắc của biển này.

(16)Siberia: là vùng đất rộng lớn gần như nằm trọn trong nước Nga, chiếm gần toàn bộ phần Bắc Á và bao gồm phần lớn thảo nguyên Á-Âu.

(17) Cây liễu sam: một loài cây thân gỗ lớn, đặc biệt, chỉ có ở Nhật Bản.

(18) Dây thừng rơm (simenawa): chuyên dùng để quấn lên cây hoặc cửa vào ngày lễ tết ở Nhật Bản.

(19) Aztec: một nền văn minh, một đế chế trong khu vực của Mexico. Văn minh Aztec có rất nhiều bản sắc văn hóa đặc biệt, nhưng cũng ghê rợn trong nghi lễ hiến tế. Nền văn minh này bắt đầu từ những năm 1248 và kéo dài đến năm 1521 khi bị người Tây Ban Nha đánh bại.

(20) Đền Mozutobi: tức đền Chim bách thanh