Sơn Hà Nhất Thủ Ca

Chương 7: Phủ Quy Hưng



Quy Hưng không rộng lớn nhưng khá náo nhiệt.

Nằm sát biên giới hai nước Nam Giao và Triệu Quốc. Nơi đây thường xuyên có những đoàn lái buôn nườm nượp đến rồi đi để trao đổi mua bán hàng hóa, không khí lúc nào cũng nhộn nhịp như mắc cửi.

Tại một tửu lâu đông khách ra vào.

Tiểu nhị hối hả đem bình trà nóng châm cho khách.

Tửu lâu ngập tràn tiếng huyên náo, bàn tán sôi nổi về những vấn đề nóng hổi.

Một người trẻ tuổi hỏi gã hán tử cùng bàn.

_ Huynh có biết dạo trước ở thành Giang Kiều xảy ra chuyện gì không?

_ Chuyện ma quỷ ở Giang Kiều ai mà không biết.

Gã hán tử trả lời rồi cầm ly rượu lên uống một hơi.

Một thư sinh bàn bên cạnh nghe vậy liền quay qua hỏi:

_ Hai vị! Giang Kiều có chuyện gì vậy?

Người trẻ tuổi cười nhạt nói giọng mỉa mai.

_ Chuyện lớn như vậy mà huynh không biết à?

Thư sinh vẻ mặt vô tội, lắc đầu.

Một nam nhân mập lùn nói:

_ Dạo trước thành Giang Kiều thường xuất hiện chuyện kỳ quái. Mọi người đồn rằng có một con yêu quái biến thành hình người, thấy nhà nào có con gái mới lớn xinh đẹp liền đến hỏi cưới. Trước kia, có vài gia đình không biết nên bị yêu quái mê hoặc, đồng ý gả con gái. Rõ ràng nhà tân lang là một trạch viện rộng lớn sang trọng, người hầu kẻ hạ tấp nập nhưng sau đêm thành thân, không ai thấy trạch viện đâu nữa, tân lang biến mất, cũng không thấy bất kỳ người hầu nào, chỉ nhìn thấy một bãi đất hoang vắng và thi thể tân nương nằm trên nền đất trong vũng máu đã sẫm màu, trái tim của nàng còn bị moi mất.

Một thanh niên tiếp lời, hắn còn khua tay múa chân, diễn tả cho lời kể thêm phần sinh động.

_ Thấy vậy, những gia đình có con gái đến tuổi xuất giá đều rất lo sợ. Có người lạ đến hỏi cưới đều không dám gả. Kết quả, sáng hôm sau mọi người nhìn thấy cảnh tượng cả một nhà mấy mạng người đều bị giết, dáng vẻ lúc chết của họ rất đáng sợ, cứ như trước lúc chết họ đã trải qua một sự đau đớn kinh người và đặc biệt tim của cô gái được hỏi cưới cũng bị moi mất.

Một ông cụ có chòm râu bạc ngồi uống trà gần đó lắc đầu thương cảm cho những cô nương xấu số.

Gã hán tử lại nhấp một ngụm rượu rồi nói:

_ Do đến nay quan phủ vẫn chưa bắt được hung thủ moi tim các thiếu nữ nên mới có lời đồn rằng hung thủ là yêu quái.

Một người khác lên tiếng hỏi:

_ Vậy rốt cuộc hung thủ là người hay yêu quái?

Một người khách trong quán, siết chặt nắm tay, tức giận nói:

_ Mặc kệ là người hay yêu quái thì cũng phải bắt cho bằng được, nếu không sẽ tiếp tục có những người vô tội bị moi tim.

_ Đúng.

_ Nói rất đúng.

_ Đúng.

Lúc này, người thanh niên lại hỏi gã hán tử.



_ Huynh biết nhiều như vậy. Thế, huynh có biết tin Bắc Địch đã tiêu diệt Vân Chiếu Quốc rồi không?

Gã hán tử uống hết ly rượu rồi trả lời:

_ Biết! Trong trận chiến với Bắc Địch, người Vân Chiếu đã ra sức kháng cự làm quân Bắc Địch tổn thất hơn một vạn binh mã. Tiếc là đến cuối cùng họ vẫn mất nước!

Ông cụ có chòm râu bạc cảm thán.

_ Lại thêm một quốc gia bị diệt vong!

Người thanh niên nét mặt lo lắng.

_ Quân đội Bắc Địch khét tiếng dũng mãnh và hung ác, nếu bọn chúng tiến đánh Nam Giao, phủ Quy Hưng lại là một trong những cửa ải biên quan đầu tiên, đến lúc đó thì…

Không để người thanh niên nói hết câu, ông cụ có chòm râu bạc đã cất giọng châm chọc, coi thường:

_ Sợ gì chứ? Thế lực Bắc Địch lớn mạnh đến mấy cũng là man di mọi rợ mà thôi.

Một người khác nghe vậy lên tiếng:

_ Lão bá nói rất phải! Hung hãn thì đã sao? Chúng ta không sợ. Dám xâm phạm Nam Giao, chúng ta liền đánh bọn chúng không còn manh giáp.

_ Không sợ Bắc Địch.

_ Đánh đuổi Thát tử.

_ Đánh đuổi Thát tử.

Khoảnh khắc này, chỉ vì một câu nói, không khí trong tửu lâu liền tăng. Cảnh tượng này chỉ có thể dùng hai chữ nhiệt huyết để hình dung.

Chiến tranh thì sao?

Giặc đến thì đánh giặc!

Đối với một nước lớn như Triệu Quốc, Nam Giao vẫn không sợ động binh đao, giương thương múa kiếm.

Cho dù phương bắc Thát tử tung hoành ngang dọc đến đâu thì Nam Giao phương nam cũng là một quốc gia hùng cường, dễ gì chịu khuất phục.

Trong khi mọi người trong tửu lâu bàn luận khí thế về Thát tử, trên lầu, tại một nhã gian phong nhã.

Hạ Hoài Cẩn bưng chén canh thịt dê nóng, húp sụp soạt.

Uống hết chén canh, Hạ Hoài Cẩn nhìn Tần Tư Thần, hỏi:

_ Hoàng tộc Vân Chiếu hiện nay ra sao? Huynh có tin tức gì không?

Đũa trên tay chợt khựng lại, Tần Tư Thần rũ mắt, con ngươi bị che khuất dưới hàng mi dài rậm, hắn nhỏ giọng đáp:

_ Thông tin nhận được, quốc vương cùng nhiều người trong hoàng tộc đều bị bắt và trở thành con tin của Bắc Địch.

Vân Chiếu, một vương quốc yên bình luôn tôn sùng Phật giáo của người Bạch Di. Suốt mấy trăm năm, Vân Chiếu không có chiến tranh, gần như đứng ngoài đấu trường, bàng quan với các cuộc chiến của các quốc gia khác. Chính vì lẽ đó, người Vân Chiếu không quen với việc chinh chiến đã không thể là đối thủ của Thát tử Bắc Địch.

Trước cuộc xâm lăng với bốn vạn kỵ binh tinh nhuệ bậc nhất Bắc Địch tràn vào lãnh thổ, quân Vân Chiếu đã anh dũng chiến đấu oanh liệt tại thung lũng Côn Di khiến Bắc Địch thiệt hại nặng nề và năng lực của họ cũng chỉ làm được đến vậy.

Hơn ba trăm năm thời gian tồn tại với hai mươi hai đời vua, vương triều Vân Chiếu tươi đẹp chính thức kết thúc.

Nghe vậy, Hạ Hoài Cẩn thở dài, múc thêm chén canh thịt dê.

_ Tư Thần! Huynh nghĩ Bắc Địch có tấn công Nam Giao không?

Tần Tư Thần không lên tiếng, một lát sau mới chậm rãi mở miệng:

_ Chuyện này rất khó nói, binh lực Bắc Địch vừa tiêu hao sau trận chiến với Vân Chiếu, hẳn là sẽ không còn sức để đánh tiếp vì chúng cần thời gian nghỉ ngơi.

Hạ Hoài Cẩn gật đầu, tiếp tục ăn canh.

Tần Tư Thần gắp một miếng nấm hương, đổi đề tài sang chuyện khác.

_ Bắt được Hàng Dực chưa?

Nghe đến hai chữ Hàng Dực, Hạ Hoài Cẩn nổi giận đùng đùng, đặt chén canh xuống, lớn giọng:

_ Huynh nói xem Hàng Đực cùng đệ tử của gã có thể trốn đi đâu? Quan binh đã lục soát từ trên xuống dưới trong ngoài làng Phù Vân mà vẫn tìm không ra. Cứ như đã bốc hơi vậy.

Tần Tư Thần gắp đũa gà xào măng tươi, trực tiếp cắn một miếng, nhai nhai, nuốt xuống, sau đó ngẩng đầu nói:

_ Đã hỏi qua mấy cô nương cứu được trong mật thất của Chân Thanh Quan rồi chứ?

_ Hỏi rồi, các nàng không biết gì cả. Ta đã cho sai nha đưa họ cùng A Hoa trở về với người thân rồi.

Nói xong, Hạ Hoài Cẩn lại tiếp tục ăn món tôm noãn chiên Phú Quý.

Hai ngày nay, hắn bận đến mức không có thời gian ăn cơm.

Đêm đó, quan binh đến bao vây Chân Thanh Quan, suýt nữa đã cho rằng đi nhầm chỗ, trong sân viện toàn là xác chuột nướng, ngoài việc bắt được hai người lạ thì không tìm thấy bóng dáng của một đạo sĩ nào cả. Dường như bọn chúng có được tin tức nên đã bỏ trốn trước khi quan binh tới.



Trong căn phòng của Hàng Dực, phía sau một kệ tủ dựng đứng, tìm thấy mật thất ngầm đang nhốt mười mấy người.

Sau khi xác nhận danh tính, thật bất ngờ, đều là những cô nương sinh sống ở các ngôi làng gần khu vực sông Khê được Hàng Dực chỉ định thả bè gả cho Hà Bá trong bốn năm qua.

Tất cả đều còn sống và bị nhốt trong mật thất ở Chân Thanh Quan.

Điểm kỳ lạ ở đây là, mười lăm cô nương này rõ ràng đang trong tuổi xuân như hoa nhưng lúc được tìm thấy và cứu ra thì dung nhan lại chẳng khác nào các bà lão, thân hình gầy gò, da dẻ đầy nếp nhăn nheo, tóc bạc trắng cả mái đầu.

Quả thật rất kỳ lạ!

Tần Tư Thần ngồi đối diện nhìn Hạ Hoài Cẩn, hỏi:

_ Lai lịch hai người kia đã tra chưa?

Hạ Hoài Cẩn vừa lùa cơm vào miệng vừa trả lời:

_ Tra rồi. Chưa phát hiện khả nghi. Một người là dân Nam Giao, y có dân tịch. Người còn lại thân phận không rõ, khai là bị sơn tặc đánh cướp, mất hết tài sản của cải và dân tịch. Hai người khai rằng nghe nói Chân Thanh Quan rất linh nên đến dâng hương cầu xin bình an, nào ngờ khi đến thì đã là cảnh vườn không nhà trống.

Dân tịch là một thẻ bài nhỏ làm bằng gỗ được mài bóng loáng, có khắc họ tên, giới tính, bát tự, nguyên quán của một người, tượng trưng cho thân phận người dân Nam Giao.

Tần Tư Thần cau mày.

Đến đạo quán thắp hương xin thần linh phù hộ lúc nửa đêm?

Vậy mà chưa đủ khả nghi?

Gắp miếng thịt Đông Pha cho vào miệng, Hạ Hoài Cẩn nói tiếp:

_ Bên phía Lưu Cầu, hắn khai bốn năm trước, Hàng Dực chủ động tìm hắn hợp tác. Hàng Dực sẽ chia cho hắn một nửa số tiền kiếm được từ việc lừa gạt dân làng cúng tế, ngoài ra hắn không biết gì thêm về Hàng Dực.

Như vậy, manh mối về Hàng Dực và đạo sĩ của Chân Thanh Quan đều đứt, không thể điều tra tiếp.

Nhìn qua bàn thức ăn đã vơi hơn nửa, Tần Tư Thần nói:

_ Đã không có manh mối, chi bằng hãy thả hai người kia ra.

Ánh mắt Hạ Hoài Cẩn lập tức sáng lên nhìn Tần Tư Thần.

_ Ta cũng đang có ý này. Nếu hai người kia cùng Hàng Dực là đồng bọn, sớm muộn gì cũng sẽ liên lạc với nhau. Ta cử người âm thầm theo dõi sẽ bắt được trọn ổ.

Ngón tay thon dài gõ nhẹ lên mặt bàn, Tần Tư Thần thong thả ung dung hỏi:

_ Còn không phải là đồng bọn thì sao?

Hạ Hoài Cẩn cười cười.

_ Thì thôi.

Tần Tư Thần lông mày nhíu lại nhìn Hạ Hoài Cẩn, rồi à một tiếng.

Nhịn không được rùng mình một cái, Hạ Hoài Cẩn vội nói:

_ Ta đã cho sai nha đến đạo quán ở các vùng lân cận điều tra về Hàng Dực. Ít nhiều sẽ thu thập được chút thông tin.

Tần Tư Thần suy tư.

Trước mắt, cũng chỉ có thể làm vậy.



Nhà lao huyện Bách Lý…

Không khí trong nhà lao ẩm ướt hắc ám khác thường, trên nóc nhà chỉ có một cái cửa sổ nho nhỏ đủ cho một chút ánh sáng ảm đạm xuyên qua. Ngọn đèn dầu trên tường toả ra ánh sáng yếu ớt, không ngừng nhảy múa, càng khiến người ta có cảm giác quỷ dị rợn người.

Bên trong nhà lao bày đủ các dụng cụ tra tấn, đủ loại kiểu dáng như roi gân bò, mộc lư, bàn đinh, bàn là… chỉ nhìn những hình cụ này thôi cũng đủ thấy khủng bố.

Những vệt màu đen sẫm lưu trên những dụng cụ tra tấn, không cần nói cũng có biết vệt đen ấy biểu thị cho cái gì.

Trong không gian âm u lạnh lẽo ấy, ánh sáng duy nhất tạo nên sự ấm áp được tỏa ra từ những ngọn đèn dầu cắm dọc trên tường hành lang để chiếu sáng lối đi.

Cuối nhà lao, trong một phòng giam, Thập Nhất nằm trên đống rơm, nhắm mắt nghỉ ngơi, không buồn nhúc nhích.

Bên cạnh, Sở Dịch âm thầm ngồi bảo vệ.

Ở góc tường đối diện, một đám phạm nhân co ro tụm lại, quan sát hai người.

Cai ngục mang cơm, Sở Dịch đứng lên lấy hai phần cơm, trở lại gọi Thập Nhất dậy, hai người lặng lẽ ngồi ăn.

_ Cơm gì thế này?

Một bát cơm bị quăng xuống đất, âm thanh đổ bể vang lên khiến mọi người trong nhà lao đều chú ý đến phòng giam bên này.

Gã phạm nhân chột mắt hung hăng quát lớn.



_ Cơm như thế này cho lợn ăn còn chê vậy mà cho bọn ta ăn?

Trên nền đất, cơm văng tứ tung.

Ném phần cơm của mình thì thôi, gã chột mắt còn giựt luôn cơm của người kế bên ném đổ. Những phạm nhân bị gã chột mắt giành lấy phần cơm không hề lên tiếng chống cự, bởi trong phòng giam này, gã chính là lão đại.

Cầm chặt bát cơm trong tay, Thập Nhất tiếp tục dùng thìa múc cơm cho vào miệng.

Một bát cơm hẩm với mấy cọng cải héo úa là khẩu phần ăn hằng ngày của những phạm nhân trong ngục. Đem so với bữa ăn bình thường của những người dân bình thường thì bát cơm này thật sự không thể nào ăn được nhưng ở một xó xỉn nào đó bên ngoài nhà lao, có người có được một bát cơm hẩm để ăn là mong mỏi lớn nhất trong cuộc đời họ.

Quãng đường từ Vân Chiếu đến Nam Giao, Thập Nhất bắt gặp không ít dân lưu vong, già trẻ gái trai đều có đủ, họ đã mất quốc gia của mình nên đành bồng bế, dắt díu nhau đi tìm nơi lánh nạn giữa buổi loạn ly, người thì chết, kẻ đi ăn xin, tha hương cầu thực, không có cơm để ăn, đến khoai cũng không, có lúc phải ăn bã đậu để sống.

Bản thân có cơm để ăn, lại lãng phí lương thực, chính là đang tự tạo nghiệp cho bản thân.

Đang ăn bỗng dừng lại, Thập Nhất ngước đầu lên thấy những phạm nhân này đều nhìn vào bát cơm của y.

Gì vậy?

Thập Nhất phát hiện gã chột mắt cũng đang nhìn y một cách hung tợn.

Nhưng khi ánh mắt gã chạm phải cái trừng mắt cảnh cáo của Sở Dịch thì vừa rồi gã hung hăng dữ tợn bao nhiêu giờ lại hèn yếu bấy nhiêu.

Trong đại lao, chuyện ma cũ ức hiếp ma mới là điều khó tránh khỏi.

Ban đầu, lúc Thập Nhất và Sở Dịch mới bị giam vào đây, đám phạm nhân trong phòng giam này tính dùng chút vũ lực tiếp đãi hai người.

Thấy Thập Nhất nhỏ người, tưởng dễ bắt nạt nên gạ chột mắt đã chọn y làm đối tượng ra tay giáo huấn trước.

Nào ngờ, còn chưa kịp chạm vào Thập Nhất thì đã bị Sở Dịch nhẹ nhàng cho ngã chổng vó cả đám.

Từ đó, đám phạm nhân không ai dám chọc đến hai người.

Thập Nhất cảm thấy thật là xui xẻo!

Người xưa có câu “Sống không vào cửa quan, chết không xuống địa ngục”.

Đêm đó, chân vừa bước ra khỏi cửa Chân Thanh Quan thì đã bị một nhóm quan binh bao vây, bắt giải vào nhà lao.

Lần này không chỉ vào cửa quan mà còn trực tiếp vô thẳng nhà lao ngồi.

Thập Nhất không sợ gặp quan nhưng không muốn bị giam vào nhà lao a.

Phòng giam lúc mới đến chỉ giam có bốn người. Tối hôm qua, quan nha tống vào thêm hai người, người nào cũng nhếch nhác ngả nghiêng, toàn thân bốc mùi hôi thối nồng nặc.

Sáng nay, lại có thêm một người được đưa đến đây, bốc mùi hơn cả sáu người trước.

Muốn trách, trách y sơ suất, mải mê nghiên cứu Hà Đồ và Lạc Thư, không phát giác ngoài Chân Thanh Quan có quan binh.

!!!

Ba ngày sau, cuối cùng cũng kết thúc chuỗi ngày rãnh rỗi ngồi ngây ngốc trong nhà lao.

Cai ngục mở cửa nhà lao thả người.

_ Đi đi, hai ngươi được tự do.

Lệnh từ phủ Quy Hưng truyền đến, đã điều tra kỹ, hai người này không có liên quan đến vụ án đạo sĩ Chân Thanh Quan nên cai ngục lớn tiếng rống, đuổi Thập Nhất và Sở Dịch ra khỏi nhà lao.