Những Nhà Nơi Hẻm Nhỏ

Chương 44: 44




Thời thanh niên.
Văn phòng của Dư Đào trúng thầu dự án xây lại một khu phố ở Lục Gia Khẩu tại Phổ Đông thế nên anh chàng rất hoang mang, “Khi thiết kế giáo sư để lại một khoảng trống lớn ở khu vực đó làm bệnh viện, nhà trẻ, trung tâm mua sắm, bưu cục……, hoàn toàn giống với thiết kế tiêu chuẩn của khu vực thôn mới tại Khúc Dương và Duyên Cát tại Phổ Tây.

Chẳng lẽ có nhiều người muốn tới Phổ Đông thế sao??”
Vương Thượng Văn nói năng cực kỳ có khí phách, “Phổ Tây thật sự không chứa chấp nổi ai nữa đâu.”
Dư Đào dại ra, “Trước kia em tới Phổ Đông là để sưu tầm phong tục, hiện tại thi thoảng lại qua đó em mới hiểu vì sao phải xây hầm, xây cầu lớn.

Xe buýt và tàu vừa chậm vừa chật, tàu thủy còn nồng nặc mùi dầu, ngửi đã muốn nôn.”
Ba người trong ký túc xá đều bận dự án ở Phổ Đông, chỉ có Trang Đồ Nam vẫn “vướng sâu trong vũng lầy” ở khu phố cũ với hạng mục bệnh viện.

Lúc này viện thiết kế nơi anh làm việc cũng đang tiến hành sửa đổi đến lung tung mù mịt.

Trang Đồ Nam vẫn luôn tiếc nuối vì khi tốt nghiệp chưa có chính sách “hai bên cùng lựa chọn” nhưng đánh bậy đánh bạ thế nào anh vẫn đuổi kịp chính sách thay đổi biên chế của viện thiết kế.
Giáo sư Chu không nhịn được cảm thán với đám học sinh rằng mấy đứa thế mà lại đợi đúng được tới lúc viện thay đổi cơ chế.

Viện này vốn thuộc Ủy ban Giám sát và Quản lý Tài sản Nhà nước của Quốc Vụ Viện.

Vì thế ai vào đây làm sẽ có biên chế, có quyền lên tiếng với cơ quan chính phủ.

Hiện tại bộ xây dựng yêu cầu viện thiết kế lấy tư cách xí nghiệp để tiến vào thị trường.
Vì thế viện thiết kế lúc này có giấy phép buôn bán, cũng có quyền lực và trách nhiệm giống hệt xí nghiệp.

Bọn họ có thể tự do thu phí thiết kế rồi nộp thuế doanh thu theo lợi nhuận.

Nhân viên thiết kế cũng từ biên chế của trường học đổi thành biên chế xí nghiệp.
Bộ xây dựng yêu cầu viện thiết kế tiến vào thị trường nên quyền hạn của viện cũng lập tức nhỏ đi.

Nói cách khác, trước kia viện thiết kế là mẹ chồng, còn bây giờ bị giáng xuống làm con dâu.
Vì sửa lại thể chế nên hình thức làm việc cũng thay đổi.

Bên thiết kế cần phải thảo luận lại với đội thi công.
Giáo sư Chu phụ trách tổ thiết kế nên các tổ viên cần căn cứ tình huống thi công ở hiện trường để sửa bản thiết kế, thậm chí vẽ lại.
Kết cấu, điện nước, phòng cháy……, chỗ nào cũng cần sửa chữa.


Trang Đồ Nam cõng theo đồ vẽ qua lại giữa văn phòng cùng công trường.
Nhưng việc vẽ đi vẽ lại không khiến người ta cảm thấy thất bại nhất mà thứ chán ngán nhất là xuất phát từ lợi ích kinh tế nên đội thi công luôn làm khác với thiết kế.
Trang Đồ Nam vốn tưởng việc phải sửa đi sửa lại bản vẽ đã là chuyện khổ nhất của công việc rồi nhưng tới công đoạn thi công anh mới biết mâu thuẫn và xung đột trong lúc ấy càng vụn vặt và khó điều hòa.
Đội thi công là cơ quan khác của chính phủ, vốn viện thiết kế chỉ cần ra được bản vẽ và nghiệm thu là xong nhưng hai vị giáo sư phát hiện đội thi công vì kịp tiến độ hoặc tiết kiệm chi phí mà thường xuyên vi phạm tiêu chuẩn thi công.

Thế nên bọn họ không thể không cử nghiên cứu sinh thay nhau tới công trường quản lý giám sát chất lượng.
Lúc đội thi công không làm theo bản vẽ thì viện thiết kế sẽ phải giải thích hoặc cố gắng sửa cho phù hợp.

Lập trường hai bên khác nhau nên vừa thi công vừa cãi cọ.

Lúc mâu thuẫn không thể điều hòa thì nhân viên quản lý của chính phủ, viện thiết kế và đội thi công sẽ phải cùng ngồi xuống họp với nhau để bàn bạc.
Mỗi lần họp xong giáo sư Chu lại cảm thán, “Bộ xây dựng yêu cầu viện thiết kế sửa lại thể chế và tiến vào thị trường.

Như thế chúng ta có thể ký hợp đồng lấy phí thiết kế nhưng quyền lên tiếng lại càng ngày càng nhỏ, địa vị của kiến trúc sư cũng ngày càng thấp.”
Trang Đồ Nam và các đàn anh còn ít kinh nghiệm nhưng thường lấy thân phận “tép riu” ấy để tham dự cuộc họp.

Như thế bọn họ có thể giải thích bản vẽ, hoặc tính toán kết cấu lúc cần thiết, sau đó ghi lại những chỗ đội thi công yêu cầu sửa và quay về tiếp tục vẽ.
Trang Đồ Nam không sợ phải vẽ lại nhưng anh chán ghét công việc lặp đi lặp lại này.

Về mặt kỹ thuật thì chẳng tiến bộ hơn, đã thế sau nhiều lần vất vả sửa lại bản vẽ theo ý của đội thi công mấy kẻ kia lại chỉ vỗ vỗ đầu và lựa chọn phương án đầu tiên.
Tâm huyết thiết kế bị giẫm đạp, biện pháp an toàn bị bỏ qua khiến Trang Đồ Nam cảm thấy bất đắc dĩ và phiền chán.

Vầng trăng cong cong chiếu xuống Đồng Tế, trong lúc ấy có người vui mừng có người sầu.

(Hãy đọc thử truyện Thượng công chúa của trang Rừng Hổ Phách) Dư Đào bôn ba giữa Phổ Tây và Phổ Đông, Trang Đồ Nam mê mang giữa thiết kế và thi công, Phùng Ngạn Tổ và Vương Thượng Văn thì vui mừng khôn xiết.
Ngày 15 tháng 12 năm 1988, viện thiết kế công trình của Thượng Hải và viện thiết kế kiến trúc của đại học Đồng Tế kết hợp thiết kế cầu Nam Phổ.
Đám nghiên cứu sinh của cơ quan quy hoạch và kiến trúc thành phố đều sôi trào.

Cả đám tụ lại ở trên đường và vui vẻ bàn tán.
“Giáo sư Lâm là tổng kỹ sư đời thứ ba.

Hai đời trước đợi mấy chục năm nhưng kỹ thuật và tài chính đều không đủ nên trước sau không có cơ hội xây dựng cầu lớn bắc qua Hoàng Phố.

Chúng ta có thể tham dự vào công trình này đúng là phúc phận.”
“Đừng nói tới tham dự, có thể được chứng kiến đã là may mắn rồi.”

“Phương án là do Đồng Tế đưa ra, ‘cầu dây văng với dầm chồng xếp lên nhau’.

Mức độ sáng tạo trong thiết kế rất cao, trong quá trình thi công cũng sẽ cố gắng đảm bảo tự chủ.

Vật liệu xây dựng thì cố gắng sử dụng sản phẩm trong nước.”
“Cả cây cầu lớn chia làm ba phần là thân chính và phần tiếp nối ở hai đầu, thân cầu dài chừng 800 mét trở lên, không có một cây trụ nào.”
“Phần tiếp nối ở hai đầu thì hiện tại đã bắt đầu di dời lấy không gian.

Chắc phải di dời khoảng 200 xí nghiệp đơn vị và khoảng 5000 hộ gia đình.”
……
Phùng Ngạn Tổ cũng ở trong ký túc xá cùng Vương Thượng Văn thảo luận khí thế ngất trời.

Dư Đào vô cùng bất đắc dĩ mà xin xỏ, “Đàn anh ơi, các anh cố ý kể cho em và Trang Đồ Nam nghe đúng không? Xin hai anh thương xót chọn chỗ khác để bàn được không?”
Phùng Ngạn Tổ nghiêm trang nói, “Không thể, tới chỗ khác khoác lác sẽ bị đánh đuổi ra ngoài vì làm ồn.”
Vương Thượng Văn luôn ôn hòa lúc này cũng cười dữ tợn, “Nổ cũng phải chọn chỗ, hai đứa bây nhịn tí đi, để bọn anh nổ thêm mấy ngày nữa.”
Phùng Ngạn Tổ tiếp tục dõng dạc hùng hồn, “Từ đây lạch trời biến báo đồ……” (biến con đường hiểm thành đường dễ đi.)
Vương Thượng Văn lập tức phụ họa, “Thượng Hải từ đây chẳng còn Phổ Đông hay Phổ Tây nữa.”
……
Hai ông anh khoe xong mới mỹ mãn mời hai đàn em cũng tới công trình tham quan —— nói đúng hơn là đứng từ xa xem.
Dư Đào từ chối luôn, “Em không muốn tới Phổ Đông nữa đâu, vừa phải đi xe buýt rồi lại đi phà, đi một chuyến nghỉ nửa ngày mới hoàn hồn.”
Trang Đồ Nam hỏi rõ và biết chỉ có thể đứng từ xa xem, không thể tới gần thế là cũng uyển chuyển từ chối đề nghị này.

Một đàn anh trong tổ phát hiện đội thi công sử dụng tấm cách nhiệt không phù hợp với thiết kế nên đội thiết kế và thi công lại mở họp.
Người phụ trách của đội thi công khăng khăng nói, “Đây là kỹ thuật mới, đã có hạng mục sử dụng.

Đám kiến trúc sư các anh đúng là cố chấp, bảo thủ không chịu thay đổi.”
Giáo sư Chu không phải người giỏi ăn nói nên chỉ có thể đỏ mặt nhắc lại, “Phòng cháy là phần quan trọng nhất trong thiết kế, đặc biệt là những nơi lượng người lớn như bệnh viện vì thế tôi không thể nhượng bộ.

Vật liệu mới không phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia, nếu các anh kiên trì sử dụng thì viện thiết kế không gánh nổi trách nhiệm này đâu.

Tôi từ chối ký tên trên giấy tờ nghiệm thu.”
Đội công trình châm chọc mỉa mai, “Công trình là sản phẩm của tất cả mọi người, các anh nói một câu không hợp quy phạm mà muốn đẩy hết trách nhiệm đi à?”

Nhân viên quản lý của chính phủ mang vẻ mặt ôn hòa và cố gắng hòa giải, “Lão Chu, ngoài việc đổi vật liệu có còn cách nào khác để giải quyết không?”
Mọi người trong phòng đều nhận ra chính phủ cũng sợ phiền toái, không muốn áp dụng phương án của viện thiết kế.

Bởi nếu đổi vật liệu sẽ phải làm lại những phần đã hoàn thành vì thế giáo sư Chu trầm mặc trong chốc lát mới nói, “Tôi yêu cầu chuyên gia từ viện thiết kế khác tham gia kiểm tra xem vật liệu này có dùng được không.

Trước khi nhận được lời khẳng định thì tất cả phải dạm dừng.”
Đội thi công nhảy dựng lên, “Chúng tôi có thời hạn phải hoàn thành.”
Đàn anh không nhịn được nữa, “Tài liệu mới báo giá rẻ 1/3 đúng không? Tiền lời bên thi công hưởng nhưng trách nhiệm lại đẩy cho bên thiết kế hả?!”
Phòng họp cãi nhau túi bụi.
Hai bên cãi tới tận trưa cũng chẳng giải quyết được gì.
Đoàn của viện thiết kế trở về trường.

Lúc này đàn anh mới an ủi giáo sư Chu, “Thầy đừng nóng giận, hôm nay thầy nói nếu bọn họ vi phạm thiết kế thì chúng ta không ký nghiệm thu.

Em thấy đội thi công chẳng có gan lớn thế đâu, rồi bọn họ sẽ phải đổi vật liệu thôi.”
Giáo sư Chu cũng không lạc quan, “Mấy ngày này các em chịu khó một chút, đi tới công trường nhìn xem có tình huống gì thì báo với thầy.”
Rồi ông lại thở dài, “Tiếng nói của viện thiết kế ngày càng nhỏ!”
“Kinh tế thị trường khiến thể chế thiết kế cũng chậm rãi thay đổi rồi.”

Ông nội nhà họ Trang bị bệnh loét dạ dày cấp tính.
Công việc của giáo viên cấp ba bận rộn, Trang Siêu Anh lại mới vừa được điều đến trường mới nên đang cần thể hiện tốt.

Ông thật sự không có thời gian chăm sóc bố đẻ, chỉ có thể nhờ vợ thường xuyên qua nhà hỗ trợ việc nhà và nấu nướng.
Bà nội nhà họ Trang gọi tới văn phòng của Trang Siêu Anh nói, “A Linh chạy hai nơi cũng quá vất vả.

Nay Đồ Nam và Tiêu Đình đều không có nhà nên ba mẹ định chuyển qua nhà con ở, như thế A Linh không cần chạy hai nơi nữa, coi như bớt việc.”
Trang Siêu Anh triệu tập cuộc họp gia đình và ấp úng đưa ra kiến nghị này.
Hướng Bằng Phi chả thèm nể nang nói luôn, “Bà ngoại giúp cậu hai nhiều năm như thế, sinh hoạt phí cũng nộp, còn giúp làm việc nhà, giúp trông con.

Bà giúp cậu hai mười mấy năm nên hiện tại cậu hai nên chăm sóc ông bà, còn chúng ta chỉ hỗ trợ thôi.”
Hướng Bằng Phi lại bổ một đao, “Công việc ở công ty bách hóa hiện tại không tốt, cậu hai và mợ hai cũng nhàn.

Vậy để ông bà ngoại ở lại nhà ấy đi, cháu sẽ gửi một phần phí phụng dưỡng, bác dâu cả làm đồ ăn đưa qua đó là được.”
Trang Siêu Anh gầm lên, “Mày câm miệng ngay.”
Hướng Bằng Phi bất chấp tất cả, “Cháu tới nhà bác ở mà còn ở lì luôn thì ông bà ngoại cũng sẽ như thế.

Bác cả, việc này bác tự thương lượng với bác dâu cả đi.”
Nên nói anh đã nói hết, lúc này tới lượt Hoàng Linh nói, “Nhà ta hiện tại nhiều thêm phòng của Đống Triết, nhưng đó là phòng của Tống Oánh.

Cô ấy sợ mất lòng người khác mới không dám cho thuê.


Anh đón ba mẹ tới đây thì cũng nghĩ xem anh có gánh được hậu quả hay không.”

Hoàng Linh mới nói lời này được mấy ngày thì Tống Oánh đã gọi điện thoại về báo với bà là mình đã cho thuê hai căn phòng phía tây.
Trong điện thoại Tống Oánh bất lực nói, “Chị Linh, chị không thể tưởng tượng được là ai thuê đâu.”
Tống Oánh không màng phí điện thoại đường dài đắt mà thao thao bất tuyệt, “Là Ngô San San, con bé và con trai của phó xưởng trưởng họ Lưu định kết hôn……”
Hoàng Linh hoảng hốt, “San San? Và, và……”
Tống Oánh nói, “Đúng vậy, chị không ngờ đúng không? Nhân sự của xưởng đặc biệt gọi điện cho em lời trong lời ngoài đều là hai vợ chồng son khó khăn, lại là con cháu công nhân viên chức, nếu em không cho tụi nó thuê thì cái việc em muốn nghỉ không lương sợ sẽ khó mà làm tiếp.

Mà không giữ được chức thì phòng kia xưởng cũng sẽ thu lại.”
Bà héo héo nói, “Lúc đấy em đờ ra, mãi không phản ứng được gì.

Ngoài tức giận em còn cảm thấy rất khổ sở.

Em biết em không giữ nổi hai cái phòng ấy, sớm hay muộn cũng bị lấy lại nhưng không ngờ lại là San San.

Em cũng không biết phải nói với Đống Triết về chuyện này thế nào.

Nó vẫn luôn coi xưởng dệt là nhà, coi San San là chị.”
Tống Oánh không nghe thấy Hoàng Linh trả lời thì còn tưởng tín hiệu không tốt nên alo hai tiếng.
Lúc này Hoàng Linh mới hoàn hồn, “Nghe được rồi, em nói tiếp đi.”
Tống Oánh uể oải ỉu xìu nói, “Chị Linh, em thật sự không ngờ mình nhìn San San lớn lên mà lúc nó kết hôn cần phòng ở lại không mở miệng hỏi em mà trực tiếp tìm xưởng trưởng để ép em.”
Bà khóc nức nở, “Chị Linh, em không hiểu, lúc trước em đứng nhìn nhà hàng xóm cãi nhau chết đi sống lại vì nhà cửa mà nay việc ấy lại đổ lên đầu em.”
Hoàng Linh vụng về an ủi Tống Oánh, “Tuần trước chị còn gặp nó về nhà chơi.

Chị còn đứng ở ven đường nói chuyện với nó thật lâu nhưng nó chẳng nó gì với chị.

Yêu đương, kết hôn, phòng ở, nó chẳng nói gì cả.”
Tống Oánh thổn thức, “Còn có thể nói gì.

Đúng rồi, tết này nó kết hôn, tới lúc ấy có lẽ sẽ đưa dâu từ nhà họ Ngô sang nhà chúng ta.

Chị nói với thầy Trang một tiếng để anh ấy chuẩn bị tâm lý.”
Nói xong bà gác điện thoại, ống nghe chỉ còn tiếng tút tút.

Hoàng Linh vẫn cứ cầm ống nghe, trong lòng trăm mối cảm xúc ngổn ngang.
 
------oOo------