Nhớ Mãi Không Quên - Thiên Tại Thủy

Chương 5: Can thiệp khủng hoảng (1)



Sáng sớm, Tống Nhĩ Giai bị đánh thức bởi bài hát kết thúc của phim Doraemon.

Là nhạc chuông báo thức từ điện thoại di động của nàng.

Nhưng gần đây nàng đã không điều chỉnh đồng hồ báo thức.

Sắp tốt nghiệp, nàng đã xác định nơi làm việc của mình và nhận được chứng chỉ thực tập. Hiếm lắm mới được thoải mái trong khoảng thời gian này, nên luôn ngủ một giấc đến khi tự tỉnh dậy.

Nửa tỉnh nửa mê, mơ mơ màng màng. Tống Nhĩ Giai vươn tay ra khỏi ổ chăn, sờ s.oạng bên gối, định tắt đồng hồ báo thức, tiếp tục ngủ nướng.

Chăn bông không có mùi quen thuộc, sờ vào cũng không có cảm giác thân quen, Tống Nhĩ Giai cảm thấy có chút xa lạ. Sau khi mò mẫm một lúc, nàng không chạm được điện thoại, nhưng đầu ngón tay lại chạm vào cảm giác mềm mại.

Não bộ ngừng hoạt động vài giây, nàng đột nhiên tỉnh táo lại, mở mắt ra, nhìn người phụ nữ bên gối.

Gương mặt của người phụ nữ vừa xinh đẹp vừa lạnh lùng, tuy quen thuộc nhưng lại rất đỗi xa lạ.

Nguyễn Trinh.

Nguyễn Trinh và nàng cùng nằm trên một chiếc giường xa lạ...

Đầu óc choáng váng, Tống Nhĩ Giai xoa xoa thái dương, chậm rãi ngồi dậy, dựa vào đầu giường, rũ mắt nhìn chằm chằm vào người đang ngủ say.

Nguyễn Trinh đã trở lại?

Hay đây chỉ là một giấc mộng của riêng nàng?

Tống Nhĩ Giai dụi dụi mắt, không thể phân biệt được đây là thực hay mơ.

Chuông báo vẫn đang reo, Nguyễn Trinh cau mày, từ từ mở mắt ra.

- - Cô bắt gặp ánh mắt của Tống Nhĩ Giai.

Nhìn nhau hai giây, mặt Nguyễn Trinh không đổi sắc, duỗi tay ra, cầm lấy điện thoại tắt báo thức, ngồi dậy, tự nhiên chào hỏi: "Chào buổi sáng."

"Chào buổi sáng..." Tống Nhĩ Giai lúng ta lúng túng đáp lại.

Nguyễn Trinh vươn vai, hỏi: "Buổi sáng em có lớp không?"

Tống Nhĩ Giai vẫn còn đang ngây ngốc, gần như trả lời câu hỏi của cô theo bản năng: "Không, bọn em kết thúc khóa học rồi..."

Nguyễn Trinh nói: "Chị nhớ em phải viết luận văn tốt nghiệp."

Cô học đại học chuyên ngành y học lâm sàng, sau năm năm thì ra ngoài thực tập, chỉ cần hoàn thành bài kiểm tra và không cần viết luận văn, nhưng các ngành học khác có vẻ không giống.

Tống Nhĩ Giai ậm ừ, nhẹ giọng nói: "Em đã viết xong luận văn rồi, hiện tại đang chờ bảo vệ."

"Vậy em có thể tiếp tục ngủ một giấc." Nói xong, Nguyễn Trinh vén chăn bông đứng dậy, đi thẳng vào phòng tắm để rửa mặt.

Tống Nhĩ Giai nhìn bóng lưng mảnh khảnh của cô xa dần rồi cúi đầu nhìn xuống chiếc váy ngủ của mình.

Có chút lộn xộn...

Nàng lại xoa xoa huyệt thái dương, chắp nối những ký ức của đêm qua lại từng chút một.

Não bộ bị phân mảnh, chỉ còn lại những hình ảnh rời rạc--

Tối qua, bạn của nàng đã đưa nàng tham gia một bữa tiệc tại quán bar, nơi nàng và Nguyễn Trinh gặp lại sau một thời gian dài vắng bóng...

Nguyễn Trinh đã thay đổi rất nhiều, nàng gần như không thể nhận ra...

Nguyễn Trinh cười nói vui vẻ với những người trong quán bar, chỉ cho quan châu đốt lửa không cho dân chúng thắp đèn. Rõ ràng cô và người khác tán tỉnh nhau, nhưng lại cấm nàng uống rượu do người khác mời, cố gắng giảng đạo như trước đây...

Sau đó, Nguyễn Trinh đưa nàng đến khách sạn, bảo nàng uống rượu vang đỏ trên bàn.

Sau đó, bạn bè của nàng cảm thấy giữa cả hai sẽ xảy ra chuyện gì đó, cho nên đã gửi một số "tài liệu học tập" đến cho nàng nghiên cứu.

Nàng không thể nhớ ra chuyện gì đã phát sinh sau đó.......

Nàng đã học, hay là không học?

Tống Nhĩ Giai ngây người, mờ mịt, xoa xoa mặt một lúc, càng nghĩ càng cảm thấy không đúng.

Tại sao nàng không nhớ được bất cứ điều gì?

Rốt cuộc đêm qua ai là người chủ động......

Nguyễn Trinh thay quần áo, bước ra khỏi phòng tắm, nhìn Tống Nhĩ Giai.

Tống Nhĩ Giai ngay lập tức thẳng sống lưng, giả vờ làm ra bộ mặt điêu luyện, mở miệng nói:" Em... chúng ta đều đã trưởng thành, vì vậy có một số chuyện không cần thiết phải nói ra."

Mặc dù đây là lần đầu tiên của nàng, nhưng nàng không cần phải chịu trách nhiệm linh tinh.

Loại chuyện giữa hai người phụ nữ này, người tình ta nguyện, không ai khổ sở.

Nguyễn Trinh không hiểu đứa nhóc này đang nói chuyện kỳ kỳ quái quái gì.

Đêm qua, đứa nhỏ này ngủ quên trước khi xem xong "Sinh hoạt công dân", vẫn là do cô giúp nàng làm xong bài tập rồi chụp màn hình gửi cho bí thư lớp. Lúc say, tư thế ngủ của nàng rất xấu.

Cô không thèm để ý, liếc Tống Nhĩ Giai một cái, nói: "Nếu không muốn ngủ thì dậy ăn điểm tâm đi."

Tống Nhĩ Giai nhanh chóng xoay người rời giường.

Khi trả phòng, Nguyễn Trinh nhìn giá rượu vang đỏ trên biên lai, dùng đầu ngón tay gõ nhẹ lên trán.

Một chai rượu vang đỏ hơn 700 tệ, Tống Nhĩ Giai đã uống hai chai.

Một đêm, nàng uống bay hơn một nghìn tệ của cô...

Thú én vàng bốn chân*...

(Thú én vàng bốn chân*: Ngụ ý chỉ những người chỉ giỏi tiêu tiền của phụ huynh, hay nói nôm na là phá gia chi tử.)

Tống Nhĩ Giai cũng nhìn thoáng qua giá cả, hơi đỏ mặt, chột dạ ho khan một tiếng, nói:" Em....em trả!"

Học bổng của nàng trong học kỳ này đã được cấp, thậm chí còn chưa tiêu, có khoảng tám nghìn nhân dân tệ.

"Không cần." Nguyễn Trinh lời ít ý nhiều từ chối. Sau khi dừng lại một chút, cô tiếp tục nói:" Em vẫn còn là sinh viên, đợi em đi làm rồi hẵng mời chị."

Những lời này như quan tâm đến lòng tự trọng của Tống Nhĩ Giai.

Tống Nhĩ Giai gật đầu, đếm ngày bằng đầu ngón tay.

Nàng sẽ đi làm vào tháng 7, đơn vị sẽ trả lương vào cuối tháng 7.

Lúc nhận được đồng lương đầu tiên khi bước ra xã hội, nàng sẽ mời Nguyễn Trinh một bữa ăn thịnh soạn.

Thật tốt, hiện giờ đã có lý do liên lạc lại.

Bước ra khỏi cửa khách sạn, Tống Nhĩ Giai hỏi: " Nguyễn Trinh, số điện thoại của chị vẫn không đổi đúng không?"

Nguyễn Trinh: "Không có, nhưng chị từng làm mất điện thoại một lần, thông tin liên lạc của một số người không còn nữa."

Tống Nhĩ Giai hỏi: "À, cũng không có số điện thoại của em, đúng không?"

Nguyễn Trinh ừ một tiếng, đưa điện thoại di động cho nàng: "Em thêm cho chị đi."

Tống Nhĩ Giai nhận lấy điện thoại, nhập số mình vào, lưu tên lại, sau đó tự ghi cho mình dòng chữ: Em bé đáng yêu.

Nguyễn Trinh lấy lại điện thoại, nhìn ba chữ trong danh bạ, suy nghĩ một chút, đổi thành: Mèo con say xỉn.

*

Vào giờ cao điểm buổi sáng, Nguyễn Trinh chọn đi tàu điện ngầm đến bệnh viện.

Tống Nhĩ Giai nhắm mắt theo đuôi, bước phía sau cô: " Em đưa chị đến ga tàu điện ngầm."

Nguyễn Trinh: "Ở trường học không có việc gì à?"

"Không có, trở về cũng chỉ xem phim. Lúc đầu em định tham gia một chuyến đi tốt nghiệp cùng bạn bè của mình, nhưng..."

Nhưng Nguyễn Trinh đã trở lại Giang Châu, Tống Nhĩ Giai đột nhiên không muốn rời đi nữa.

Điểm đến của chuyến du lịch tốt nghiệp là Ninh Thành.

"Nhưng cái gì?"

Tống Nhĩ Giai úp sọt bạn mình, mặt không đỏ, tim không đập, nói dối: "Nhưng bạn của em vốn coi trọng tình d.ục hơn bạn bè, đột nhiên em không muốn đi nữa."

Nguyễn Trinh ừ một tiếng, dừng bước, đợi Tống Nhĩ Giai đuổi kịp, cả hai sóng vai đi bên cạnh nhau.

Mặt trời mọc lên phía trời đông, đường phố nơi thị thành đông đúc xe cộ qua lại.

Đi ngang qua một tiệm bánh bao hấp, Tống Nhĩ Giai hít một hơi thật sâu, kéo Nguyễn Trinh dừng lại, mua vài cái bánh bao.

Sau khi thanh toán tiền, Tống Nhĩ Giai há miệng cắn một ngụm nóng hổi, ​​vừa định nói chuyện, chợt nhìn thấy Nguyễn Trinh đang nhìn lên một tòa nhà bên đường.

"Có chuyện gì vậy?" Tống Nhĩ Giai hỏi.

Nguyễn Trinh bình tĩnh nói: "Trên ban công hành lang tầng 5, có một cô gái đang ngồi ở đó."

Tống Nhĩ Giai nhìn theo tầm mắt của Nguyễn Trinh, nhìn thấy một cô gái trẻ khoảng hai mươi tuổi đang ngồi trên mép cửa sổ trên ban công tầng 5.

"Cô ấy... cô ấy đang nghĩ quẩn à?" Tống Nhĩ Giai do dự lấy điện thoại di động ra.

Nguyễn Trinh nhìn thêm ba giây rồi nhanh chóng quyết định: "Em gọi cảnh sát đi, 110, 119, 120*, chị sẽ lên đấy kiểm tra xem sao."

( *Số điện thoại khẩn cấp tại Trung Quốc.

110 - Cảnh sát.

119 - Cứu hoả.

120 - Cứu thương.)

Người đi đường dường như cũng nhận ra được sự kỳ lạ, khi đi ngang qua đều ngẩng đầu lên nhìn cô gái. Những người đang trên đường đi làm, học sinh trên đường đi học cũng nhịn không được, không nỡ bước đi.

Nhóm cụ ông, cụ bà tản bộ và dắt chó đi dạo tụ tập thành từng tốp năm tốp ba, nhìn lên ban công, thì thầm với nhau.

"Có chuyện gì vậy?"

"Cô gái đó hình như muốn nhảy lầu à?"

"Tuổi đời còn trẻ như vậy, gặp chuyện gì mà nghĩ quẩn vậy nhỉ?"

"Nhảy xuống rồi có sống không?"

"Đứa nhỏ này không sợ chết, tại sao còn sợ sống?"

Một bác gái hét lên: "Cô gái nhỏ à, đừng nghĩ quẩn. Có chuyện gì cứ bước xuống rồi nói, con vẫn còn rất trẻ, vẫn còn một chặng đường dài phía trước!"

Tòa nhà này chỉ cao 5 tầng, không có thang máy. Nguyễn Trinh vội vã chạy lên, thở hổn hển nhìn cô gái trên ban công.

Tống Nhĩ Giai đã gọi điện báo cảnh sát và nhìn xung quanh xem có vật dụng gì không. Có thể tạm thời đặt một tấm đệm dưới đất để đề phòng cô gái đột ngột ngã xuống sẽ giảm xốc một chút.

Cô chủ quán bánh bao ôm chiếc chăn bông chạy ra, nhiệt tình nói:" Đến đây, đến đây, đến đây, mấy người kéo góc chăn bông, đề phòng con bé rơi xuống, chúng ta dưới này cũng bắt được."

Với lực va chạm này, nếu rơi xuống, đừng nói là có thể đỡ được hay không, ngay cả khi đỡ được, cánh tay của những người kéo góc chăn cũng có thể bị thương nặng.

Đối với các tòa nhà cao tầng, việc đặt mền gần như không có hiệu quả, có nguy cơ bị thương rất lớn, nhưng tầng của tòa nhà này đặc biệt không cao lắm, có thể đánh cược một phen.

Tống Nhĩ Giai đi tới đi lui tại chỗ, lo lắng đến mức trán đổ đầy mồ hôi lạnh. Nàng nhìn thấy gần đây có một cửa hàng chăn ga gối đệm.

Nàng vội vàng chạy tới nói với chủ cửa hàng vài câu nhằm thuyết minh tình huống, chủ cửa hàng nghiêng người khỏi quầy thu ngân, nhìn ra bên ngoài rồi vội vàng xoay người chạy nhanh về phía nhân viên cửa hàng của mình, nói:" Mau mau mau! Chúng ta ôm mấy chiếc chăn ra ngoài lót đường đi!"

Tống Nhĩ Giai và bọn họ cầm chăn bông chạy tới chạy lui, đặt chúng trên mặt đất với nhiều lớp thật dày.

Nguyễn Trinh đứng cách bệ cửa sổ một mét, nghe cô gái nói chuyện điện thoại với người nào đó.

Cô đã tiếp xúc với nhiều bệnh nhân có ý định tự tử, nhưng việc tư vấn tận nơi như thế này lại là lần đầu tiên cô gặp phải kể từ khi hành nghề.

Tự tử được chia thành hai loại, xúc động và không xúc động.

Tự tử không xúc động, là người tự tử có quyết định chắc chắn, trông bề ngoài tương đối bình tĩnh.

Mà cô gái trên bệ cửa sổ có hai mắt sưng đỏ, gào rống với người đang nói chuyện điện thoại cùng mình:" Có phải các người muốn tôi chết mới vừa lòng không?"

"Đúng, tôi vô dụng! Các người không nên sinh tôi ra!"

"Được rồi, tôi sẽ chết cho các người xem!"

Cô gái nức nở dập máy.

Thấy cô gái xúc động, Nguyễn Trinh vội vàng tiến lại gần vài bước vì sợ cô ấy sẽ tự sát trong lúc quá khích.

Nhận định sơ bộ, có thể cô gái này là người có hành vi tự tử xúc động.

"Xin chào, bạn học, chị là bác sĩ của bệnh viện, chuyên ngành nghiên cứu tâm lý." Nguyễn Trinh vươn tay đưa khăn giấy cho cô ấy, xuất trình giấy phép hành nghề của bản thân, nhẹ nhàng nói thân phận và chuyên ngành của mình với cô ấy:" Em đang tranh cãi với bố mẹ em à? Bước xuống đây và nói chuyện với chị một chút, được không?"

Bước đầu tiên trong can thiệp khủng hoảng là làm rõ vấn đề.

Cô gái không nhận lấy khăn giấy, cúi đầu khóc trong câm lặng.

Giọng nói của Nguyễn Trinh rất nhẹ nhàng: "Trông em còn rất trẻ, giống như vẫn đang đi học vậy. Em là sinh viên đại học ở gần đây à?"

Cô gái vẫn không mở miệng.

Những người tự tử thường phát rất nhiều tín hiệu ra thế giới bên ngoài trước khi hành động, đây có thể coi là bản năng tự cứu rỗi trong tiềm thức.

Mọi người thường nghĩ những người tự sát sẽ không thực sự tự sát mà chỉ muốn nhận được sự đồng cảm và chú ý, đặc biệt là hành vi tự tử xúc động, rất dễ bị ngó lơ.

Nhưng thực tế không phải lúc nào cũng vậy, sống chết có khi chỉ phụ thuộc vào một ý nghĩ.

Khi một người chọn cách tự tử, người đó thường phải đối mặt với những mâu thuẫn và xung đột rất lớn trong lòng. Nếu có người lắng nghe và đồng hành cùng họ lúc này, chẳng khác nào người chết đuối ôm được khúc gỗ trôi.

Nguyễn Trinh cố gắng thiết lập liên kết cảm xúc với cô ấy, tiếp tục nói chuyện nhẹ nhàng:" Chị cũng đã từng học ở làng đại học này, chính là Đại học Y khoa trước mặt. Chị có một người em gái quen biết nhiều năm, cũng trạc tuổi em, em ấy cũng là sinh viên ở làng đại học này, hiện tại em ấy cũng đang ở dưới lầu. Chị nghĩ nếu một ngày nào đó, em ấy gặp hoàn cảnh giống như em, chị hy vọng rằng em ấy có thể trò chuyện cùng những người khác một chút, như vậy em ấy sẽ cảm thấy dễ chịu hơn nhiều. Em thử nói chuyện với chị trong hai phút đi, chỉ hai phút thôi, có được không?"

- -------

Lời editor: Các bạn đọc xong vui lòng ủng hộ mình bằng nút VOTE, xin chân thành cảm ơn các bạn rất nhiều.