Khi Cậu Trở Về

Chương 1: Hà Nội một chiều buồn



Hà Nội, ngày chủ nhật đầu tiên của năm 2013.

Hôm ấy, ba mẹ tôi và Minh Dương đi họp phụ huynh cho chúng tôi, chủ yếu là thông báo kết quả học tập của học kỳ vừa rồi.

Thành tích học tập của tôi môn nào cũng tốt, ngoại trừ ngữ văn.

Vậy nên kỳ thi vừa rồi, tôi dám cá là điểm số đạt ngưỡng thất vọng của ba tôi.

Tôi là con gái đầu lòng của ba, ba thương tôi đến mức mẹ phải ganh tị, nên chắc chắn ông ấy sẽ không mắng tôi, tét mông lại càng không.

Điều duy nhất khiến tôi sợ là vẻ mặt ảo não của ba khi cầm tờ giấy in điểm thi trên tay.

Vậy nên trong một ngày trời mát mẻ như thế này, Minh Dương đèo tôi sang khu phố bên cạnh ăn cháo lòng. Sau đó chúng tôi sẽ lượn vài vòng sang mấy khu phố khác ghẹo chó, bấm chuông cửa nhà người lạ nữa rồi về.

Mục đích là đợi đến chiều chiều, mẹ tôi bắt đầu lục đục nấu cơm, ba phụ mẹ, chẳng hơi đâu mà muộn phiền về tôi nữa.

Không cần phải khen, tôi biết tôi thông minh mà.

Có điều, người tính không trời tính.

Tầm hơn 2 giờ chiều, trời bắt đầu đổ mưa phùn.

Mà cái xe đạp này của Minh Dương chẳng có nổi một cái áo mưa.

Nó vừa đạp vừa thở hổn hển như một vận động viên chuyên nghiệp.

"Bám cho chặt vào, sơ hở là rớt xuống cống đấy."

"Bám vào áo nhanh lên, chạy nhanh về không thì ướt cả lũ."

Tôi có phản bác gì đâu mà nó cứ tuôn một tràng thế nhỉ?

Đạp được một đoạn, nó dừng xe lại, nói: "Ngồi yên, đợi anh đi trộm bảo bối."

Tôi cười khẩy nhìn nó.

Thằng khùng này lại tính làm trò mèo gì nữa đây?

Tôi thấy nó chui sâu vào một bãi đất trống, nhảy cà tâng cà tâng.

Chốc sau, nó mang ra một tàu lá chuối có màu xanh non, tán không quá lớn.

Nó bỗng nhiên cởi áo ra.

Úi!



"Trời ơi! Sáu múi gộp một kìa!" Tôi sáng mắt reo lên, chỉ vào cái bụng hơi nhô nhô của nó.

Minh Dương ngay tức khắc dùng cái biểu cảm nói không thành lời nhìn tôi.

Sau một hơi thở dài, nó lấy cái áo bọc quanh cuống lá, và đưa cho tôi.

"Nhìn đây Linh lùn, bảo bối lá chuối che mưa của Đô ra Minh Dương."

"..."

Giữa lúc tôi thắc mắc nó bọc cái cuống lá làm gì, thì nó lại thưa: "Cầm ngay chỗ áo này này, không nhựa lá dính tay, về lại gãi sột soạt như khỉ."

Thế là, Minh Dương tiếp tục đèo tôi trên con xe đạp mà bác gái mới mua cho nó, tôi ngồi yên sau ôm tàu lá chuối.

Mà nó chạy nhanh quá, lá chuối bay ngửa ra đằng sau, che được mỗi tôi.

Tôi chọt chọt vào lưng Minh Dương.

Nó nhột, ẹo bên này, ẹo bên kia như con loăng quăng, trông rất buồn cười.

"Nếu cảm thấy đạp xe mệt mỏi quá, hãy thử nín thở trong mười phút."

"Điên là Linh lùn? Bớt nói nhảm, anh lại hất cậu xuống đường bây giờ."

Á à! Nó dám dọa tôi?

Tôi giật cọng tóc sau gáy Minh Dương, răn đe từng chữ một: "Chạy chậm thôi! Đau mông lắm rồi đấy!"

Tôi đau thật đấy.

Đường không quá sốc, nhưng nó chạy nhanh cũng thành rất sốc, mà yên sau thì chẳng có nổi một nệm yên.

Cuối cùng thì nó cũng chịu chạy chậm lại.

Ơn trời!

Đang vi vu trên xe tài xế, tự dưng một con xe hơi màu trắng tinh đi song song với chúng tôi, còn bấm còi thêm hai, ba tiếng.

Cửa sổ xe dần hạ xuống dưới ánh mắt ngạc nhiên của hai đứa tôi.

Một cô gái xinh xắn, một tay giữ vô lăng, một tay vẫy vẫy nói: "Dương với Linh về nhà à? Lên dì đèo, sợ rằng mưa sắp to rồi đấy."

Hóa ra là dì Mai, dì ruột của cái Tuân.

Nếu dì Mai ở đây, thì cái Tuân có lẽ cũng trên xe nhỉ?



Tôi đoán không sai mà.

Tuân mở cửa cho chúng tôi lên xe, còn lấy cái áo khác để ở ba lô cho Minh Dương thay.

Mặt mũi Tuân buồn hiu, cả người nó sặc mùi bồ kết khô.

Hôm nay nó trở về đây, chắc là đám tang của ba nó cũng xong rồi.

Ba chúng tôi thân nhau từ bé, nhưng mỗi người một cảnh ngộ, ai cũng quý ai.

Hạnh phúc nhất là tôi, rồi đến Dương, bất hạnh nhất là Tuân.

Ba mẹ Tuân ly dị lúc nó mới hơn 7 tuổi. Ba đi đường ba, mẹ đi đường mẹ, dì Mai nuôi nó khôn lớn.

Mẹ nó xuất ngoại theo chồng Mỹ, bỏ nó bâng quơ đến bây giờ chẳng có nổi một lời hỏi thăm.

Ba nó có gia đình mới, nhưng vẫn thương nó lắm, sinh nhật nào chẳng sắm cho nó một núi quần áo, đồ chơi mới.

Nên chắc bác mất, hẳn là nó buồn lắm.

Nhưng sau này khi trưởng thành rồi, tôi mới hiểu, vật chất không phải là tất cả, nó không thể hiện tình yêu của ba đối với nó trong trường hợp này.

Nói đúng hơn, bác ấy làm thế là vì cảm thấy cần có trách nhiệm nó.

Còn Minh Dương, ba mẹ nó cũng ly dị lúc nó 10 tuổi.

Mẹ nó có gia đình mới, thi thoảng hay về thăm nó.

Còn nó thì theo ba, sống chung với gia đình mới của ba nó đến tận bây giờ.

Mà may sao, mẹ kế thương nó, nên phận của thằng ngợm rừng này vẫn tốt.

Nếu xét về thời gian, có lẽ tôi quen biết Tuân lâu hơn. Vì mãi lúc lên cấp hai, Minh Dương mới chuyển từ Sài Gòn ra Hà Nội sống, đi theo công việc của ba nó.

Ngồi trên xe, mưa phùn bay bay qua ô cửa sổ.

Tôi với Minh Dương nhìn Tuân, nương theo ánh mắt nó ra hướng màu buồn của tiết trời Hà Nội, rồi lại nhìn nhau thở dài.

Cái Tuân nó hướng nội, cái gì nó cũng giữ khư khư trong lòng.

Mà hai con ngợm này thì không giỏi văn vẻ, nên chẳng biết phải an ủi nó thế nào.

Thằng nhóc kia nhiều tâm tư như thế, không biết sau này cái mớ đó có ứ lại trong lòng, rồi phình ra như cái bụng bia của ba tôi không nữa.

Bạn bè, sao mà hay thích làm nhau lo lắng quá.
— QUẢNG CÁO —