Hàm Ngọc

Chương 5: NGỌC BỘI!



Edit: Khả Khả

Vân Linh Tự nằm trên núi Vân Linh, đường núi dốc đứng nên xe ngựa rất khó đi, phải mất nửa ngày mới đến nơi.

Đợi đến khi đoàn người nhà Lâm Ngọc sắp xếp xong chỗ ở thì mặt trời đã xuống núi. Một làn sương mù từ núi dâng lên, mây đen ngưng tụ trên đầu tựa như muốn nuốt chửng ngôi chùa cổ xưa đơn sơ này.

Lâm phu nhân và Lâm Ngọc không ở chung phòng, Trạch Lan thu xếp xong giường đệm, sau đó, ra cửa múc nước rửa tay, nàng ngẩng đầu nhìn trời, rồi nhìn Lâm Ngọc đang đứng trước hành lang, nói: “Tiểu thư, nhìn sắc trời thế này có vẻ muốn mưa!”

Lâm Ngọc “ừ” một tiếng, giọng lo lắng: “Nếu đường ướt thì nhiều ngày tới cũng chưa chắc xuống núi được!”

Nhưng chuyện trời có mưa hay không, Lâm Ngọc không kiểm soát được. Nàng đi theo Lâm phu nhân dùng cơm chay nhạt nhẽo vô vị, rồi quỳ trong điện cùng một đám tăng nhân, trai khách nghe lão hòa thượng giảng kinh Phật.

Lão hòa thượng pháp hiệu “Tĩnh Khương”, râu tóc bạc trắng, khi nhìn người khác đôi mắt híp lại. Lâm Ngọc không thể hiểu được, ông ấy đã lớn tuổi như vậy rồi, sao có đủ sức khỏe để đi ngao du tứ phương được.

Trong chùa thoang thoảng mùi đàn hương, ánh nến nhàn nhạt, kèm với giọng kinh khàn trầm thấp của lão hòa thượng, nghe cực kỳ buồn ngủ.

Lâm Ngọc quỳ trong điện, khóe mắt liếc nhìn một tiểu hòa thượng đang nghiêng đầu “lắng nghe”, mí mắt như dính bột hồ không mở ra được. Nhưng chốc sau, hắn bị sư huynh hắn đánh một cái.

Gió thu lạnh lẽo thổi vào điện, tiếng mưa tí tách ngoài điện rơi trên mái hiên cửa sổ. Người tu hành trong chùa luôn được dạy “khổ tâm chí, mệt gân cốt”, cho nên giờ này vẫn chưa đốt than. Thân thể Lâm Ngọc ốm yếu hơn người thường một chút, nàng quỳ nửa canh giờ đã chịu không nổi.

Dưới gối là đệm hương bồ nhưng lại không ngăn được hàn khí nhập thể, rất nhanh tay chân nàng lạnh cóng. Vốn dĩ Lâm phu nhân muốn chờ cho lão hòa thượng giảng xong rồi thỉnh lão xem tướng cho Lâm Ngọc một chút, nhưng nhìn thấy sắc mặt Lâm Ngọc không được tốt, bà thấp giọng hỏi: “Con khó chịu ở đâu sao? Nếu khó chịu thì bảo Trạch Lan đưa về phòng nghỉ ngơi, đừng cố!”

Lâm phu nhân nói xong, rồi nắm tay nàng, khi bà nhận thấy tay nàng lạnh cứng, khẽ đau lòng nói: “Thê Thê, về nghỉ ngơi đi!”



Có hai thị nữ của Lâm phu nhân ở ngoài điện chờ, Lâm Ngọc cũng không lo lắng cho bà nữa, vì vậy gật đầu, nhẹ nhàng đứng dậy rời đi không quấy rầy người khác nghe kinh trong điện.

Không thấy Trạch Lan ngoài điện, thị nữ của Lâm phu nhân nói là Trạch Lan đã chạy về lấy áo choàng cho nàng, sẽ quay lại ngay.

Lâm Ngọc không chờ, cầm ô đi dọc mép tường, một mình trở về.

Trong núi thanh tịnh, dù không có tiếng Phật cũng khó tiếng mưa rơi khiến cho tâm người khác tĩnh lặng. Lâm Ngọc đi đến chỗ mà thị nữ của mẫu thân không thể nhìn thấy, vươn tay đón cơn mưa lạnh.

Lâm Ngọc sống đến tận bây giờ, rất ít khi dầm mưa, tựa như muốn bắt lấy hạt mưa như bây giờ thì phải trốn tránh người khác, để khỏi bị giáo huấn một trận. Nàng từng dầm mưa một lần, đó là chuyện khi còn bé.

Lại nói, chuyện này cũng có liên quan đến Lý Hạc Minh.

Tuy Lý Hạc Minh xuất thân từ tướng môn, nhưng theo Lâm Ngọc biết, hồi nhỏ hắn sống rất vất vả.

Lúc ấy, các bộ tộc ở phương Bắc đang hoành hành ngang ngược, phụ thân Lý Hạc Minh phụng chỉ lãnh binh đi hàng phục, không ngờ lại trúng tên ngã ngựa, nếm mùi thất bại. Phụ thân hắn là mãnh tướng đương triều, quân công hiển hách, không ai có thể ngờ ông sẽ tử trận.

Nhất thời, có vô vàn đồn đoán đen tối và tai tiếng xấu xa đè nặng lên Lý phủ. Lý Hạc Minh ở học đường cũng bị bắt nạt không ít.

Lâm Ngọc vẫn còn nhớ, hôm đó là một ngày mưa như thế này, khi đó nàng tầm khoảng tám chín tuổi, đi cùng thị nữ đến học đường đưa ô cho Lâm Tĩnh.

Nàng bước vào học đường, không nhìn thấy Lâm Tĩnh đâu, thay vào đó nàng nhìn thấy một đám người đang đẩy ngã Lý Hạc Minh ở đình viện. Những kẻ bắt nạt hắn cùng lắm chỉ trạc tuổi hắn, sợ là sách thánh hiền cũng đọc chưa hiểu nhưng đã biết thế nào là tướng quân bại trận và trút giận lên con của người đó.

Khi đó, gương mặt của Lý Hạc Minh lạnh lùng, không biết cười, không thích khóc, té ngã trong sân đình, toàn thân dính đầy bùn đất, im lặng bò dậy nhặt từng quyển sách trên đất bị mưa bùn làm dơ.

Những tiểu sinh trong học đường mắng hắn là “vô dụng, hèn nhát” nhưng vô dụng thế nào, hèn nhát ra sao thì không mắng được. Bọn chúng không thể nói: “Tuy rằng phụ thân ngươi tử trận vì giang sơn, nhưng lại không thể thu phục được các bộ tộc phương Bắc, ngươi thân là nhi tử, cũng vô dụng như ông ấy!”



Sách thánh hiền luôn gieo một hạt giống trí tuệ vào lòng bọn họ, bọn họ biết tướng quân tử trận vì nước tuy không nhận lấy vinh quang nhưng cũng không thể sỉ nhục. Chỉ là vào thời khắc đó, những đạo lý này bị oán khí thất bại nuốt chửng, trong lòng chỉ tràn đầy thù hận.

Khi ấy, Lâm Ngọc chẳng hiểu chuyện gì đang xảy ra, người nhà cũng không kể mấy chuyện đánh giặc này cho nàng nghe.

Nàng cầm ô đứng ở cửa nhìn Lý Hạc Minh nhặt sách trong đình, chỉ cảm thấy hắn lẻ loi một mình chịu ức hiếp thật sự rất đáng thương, cho nên liền chạy đến che ô cho hắn.

Ngọc bội trên người nàng đều màu trắng, duy chỉ có miếng ngọc ở hông là màu đỏ, tiếng ngọc “leng keng” va vào nhau vang lên.

Lý Hạc Minh ngồi xổm trên mặt đất, nghe thấy tiếng ngọc bội vang lên phía sau liền quay đầu nhìn về phía nàng. Mặt hắn bị nước mưa xối ướt, đôi mắt đen như hồ sâu không đáy, toát lên vẻ tuấn tú của một thiếu niên.

Dường như hắn không ngờ đến là sẽ có người giúp mình, ánh mắt dừng trên mặt nàng một hồi lâu, sau đó lên tiếng: “Tránh ra!”

Nói xong hắn lướt qua người nàng.

Giọng điệu hắn lạnh lùng gay gắt, lời nói cũng không dễ nghe. Lúc đó, Lâm Ngọc còn nhỏ, rõ ràng nàng giúp hắn nhưng lại bị hắn đối xử như vậy, trong lòng có chút buồn bực. Nhưng sau, hắn đưa lưng về phía nàng, thấp giọng nói: “Hiện giờ ta là một con chuột cống hôi hám, nếu ngươi giúp ta, bọn chúng cũng sẽ tính thù lên cả ngươi!”

Đó là lần đầu tiên Lý Hạc Minh và Lâm Ngọc gặp nhau, cũng là câu đầu tiên hắn nói chuyện với nàng, ngữ khí bình đạm không giống của một thiếu niên mười mấy tuổi. Có lẽ cũng vì vậy, nên câu “Chuột cống hôi hám” lạnh nhạt kia khắc sâu vào ký ức nàng, cho đến tận bây giờ cũng không thể nào quên.

 

------oOo------