Bí Ẩn Làng Bưởi Cuốc

Chương 89: Xin đài âm dương



Tôi đứng giữa cánh đồng vào buổi trưa sau khi đi học về, trước mặt tôi lúc này là nấm mộ chẳng khác gì xung quanh, có khác chăng chỉ là cỏ ở chỗ đó chưa kịp mọc lên mà thôi, tôi thở dài não nề, lắc đầu quầy quậy, chả biết ai đã làm điều này, nếu tôi không lo chu toàn thì chắc đêm sẽ khó mà ngủ yên được, kiểu gì cũng bị dựng dậy nghe giáo huấn và có thể bị ăn tát như chơi.

- Mộ của bà cô Tổ bị người ta gạt hết cả đất đi rồi bà ạ.

Tôi buồn rầu nói với bà khi tôi ngồi ăn cơm còn bà đang nằm trên võng.

-Nếu mộ nằm trên lối đi lại sát mép ruộng nhà người ta thì kiểu gì người ta cũng gạt đi, chả ai muốn tự nhiên cạnh ruộng mình có mộ đâu.
-Cháu đang nghĩ có khi trước đây cái ruộng ấy chẳng như vậy, hay là họ lấn vào sát mộ đấy bà ạ.
-Cái đấy thì không biết được, mày có biết ruộng đó của nhà ai không?
-Cháu không biết ạ, nghe nói đã qua tay nhiều người nhưng chắc cũng của người trong làng mình thôi chứ đâu.
-Hay mày gọi cho bố mày xem như nào.
-Tết nhất đến nơi, chục ngày nữa thì bố cháu cũng về rồi thì gọi làm gì, để cháu tính xem như thế nào ạ.
-Mày trẻ con tính được cái gì mà tính?
-Thì cháu cũng cứ phải tính, biết đâu đấy.

Nhưng tôi chả tính được, trời tối là tôi nóng ruột vì sợ đêm nay lại bị kéo chân bắt dậy rồi lại nghe mắng mà chẳng dám cãi nửa câu, dù sao đó cũng là bà cô Tổ của mình, không thể dùng chiêu gì hoặc cái gì để đối phó cả, suy cho cùng cũng là muốn tốt cho mình mà thôi. Ăn cơm tối xong tôi mặc áo ấm rồi đi ra ngoài sân, cứ đi đi lại lại và hai tay xoa vào nhau, tôi muốn nhờ chị Ma giúp cho một việc mà không biết làm sao để gọi chị ấy, tôi chạy ra vườn đi mấy vòng rồi thắp mấy nén hương, lẩm bẩm gọi trong miệng hi vọng chị ấy sẽ nghe thấy.

Nhưng đứng một hồi lạnh cóng mà không thấy gì tôi phải chạy vào trong nhà vì lạnh, tôi đã nghĩ ra một cách rồi nhưng chắc chỉ có chị Ma mới giúp tôi được mà thôi. Tôi dự tính sẽ nhờ chị Ma hỏi giúp xem cái ruộng đấy của nhà ai, ai đã gạt đám đất đó đi và có thể nhờ chị bày cách cho vì chị ấy chết lâu rồi, hẳn sẽ thông minh hơn tôi, mà chị ấy 17 trong khi tôi mới sắp 14, lớn hơn chắc khôn hơn rồi.

“Cọc”

Một tiếng động như tiếng sỏi ném vào cửa sổ, tôi mừng húm, lần trước cũng ném sỏi như thế và có cả con ngựa to đùng nữa, nhìn đồng hồ mới gần 9 giờ tối, bà già vẫn ngồi xem TV trên giường và trùm chăn cho đỡ lạnh.

-Mày làm gì mà cứ đi ra đi vào thế?
-Cháu á? Cháu đang nghĩ cách.
-Nghĩ được gì mà nghĩ, mày nên gọi bố mày về.
-Cháu lớn rồi còn nhỏ đâu, bà cứ để cháu tính thử xem thế nào.

Vừa nói tôi vừa hé cửa bước ra hiên rồi nhẹ nhàng khép cửa lại cho đỡ gió rồi chạy vội ra vườn, quả nhiên chị Ma đang ngồi trên lưng ngựa, nhìn trông rất có khí chất.

-Sao lâu thế? – chị Ma cất tiếng hỏi.
-Wow, nay nhìn chị đẹp quá vậy?
-Thôi, thôi, em cứ nói thừa, chị lúc nào chả đẹp, muốn gì thì nói đi đừng có mà vòng vo nữa.
-Chị đúng là không những đẹp lại còn thông minh vô địch.
-Sao em toàn nói sự thật làm gì, nói gì đó hay hơn đi, mà đừng có dẻo miệng với chị.

Chị Ma nói xong câu ấy thì nhẹ nhàng bước xuống ngựa, tay vỗ mấy cái vào mông ngựa lập tức nó biến mất luôn, tôi đứng ngẩn ngơ nhìn, quả là có phép thật.

-Ngạc nhiên cái gì, ngựa cũng có linh hồn mà, vỗ cho nó đi chỗ khác cứ có gì lạ đâu mà em đứng ngây ra thế? Nào nói đi, nãy chị thấy em đi lòng vòng trong vườn mãi.
-Chả dám giấu chị, thực ra là em tìm được mộ của bà cô Tổ nhà em, em có đắp lên mà giờ người ta lại gạt hết đi rồi, em lại không thể lúc nào cũng ở đấy canh chừng được, mà nếu không làm tới nơi tới chốn thì bà cô Tổ nhà em trách mắng em.
-Cái bà đấy thì ghê rồi, lại bị tát hả?
-Dạ không, không có, không có bị tát.
-Còn nói dối – chị Ma lắc đầu – nhưng mà không sao, lần trước chị cũng nhờ bà ấy thôi thì xem như giúp lại cũng phải đạo. Em muốn hỏi xem ruộng đó nhà ai hay sao?
-Dạ, nhân tiện em cũng muốn biết ai gạt hết đất em đã hì hục cả nửa buổi mới xong, đụng chạm mồ mả nhà em như thế em không thích.
-Việc này thì không có gì khó, đứng đây chờ chị một lúc, à mà thôi, vào nhà cho ấm, chị gọi thì ra.
-Dạ.

Tôi vào nhà ngồi trên tấm phản gỗ lim truyền thừa hàng trăm năm có biết bao nhiêu người đã ngủ trên ấy, bà tôi bảo chưa có ai nằm rồi chết trên đấy, khi có bệnh thì nằm ở giường cho tiện chăm sóc, lúc mất thì đốt luôn cái giường vì thế phản gỗ lim mới còn đến bây giờ. Tôi ngồi một lúc chừng hơn 5 phút thì thấy tiếng động ngoài cửa sổ nên đoán là chị Ma đã quay lại nên tỏ ra thản nhiên đi ra ngoài lần nữa, bà Già đang mải xem nên chả chú ý đến tôi.

-Chị hỏi rồi, ruộng đấy bây giờ cho người làng khác thuê chứ không phải người làng này, người làng không làm như thế bao giờ cả vì họ biết trước đó có nấm mộ nhỏ, chiều hôm qua người ta mới gạt hết chỗ đất em đắp.
Tôi thở dài, người làng khác thì chịu rồi, chả biết làm như thế nào.
-Em đang nghĩ gì thế? Mà em muốn như thế nào?
-Em chưa biết nên làm như thế nào để nấm mộ cố định luôn chỗ đấy.
-Thì xây lên chứ sao nữa.
-Lối đi nhỏ quá ạ, em sợ phiền cho những người đi lại qua chỗ đấy.
-Nghĩ nhiều làm gì, bỏ tiền ra mua là xong.
-Em đâu có nhiều tiền đến vậy, tài sản em bây giờ còn có hơn Một triệu thôi ạ.
-Hơn Một triệu? Là nhiều không?
-Nhiều với em thôi, chứ mua đất chắc phải rất nhiều tiền làm sao em có đủ, hay là em nói với bố em nhỉ?
-Nói với bố em thì cũng phải mất tiền đúng không?
-Bố em có tiền mà.
-Để chị, nếu đã giúp bà cô Tổ nhà em thì giúp cho xong chứ không giúp nửa chừng được.
-Chị tính làm như thế nào.
-Để chị đến nhà chủ cái ruộng ấy, gọi lão Thổ Địa nhà ấy ra nhờ tí việc thôi mà.
-Chị..., chị định làm gì ạ?
-Em hỏi làm gì, thi thoảng cũng phải dùng cái danh hão này dọa người chứ, tốn công chị đi bốn tuần ăn chờ nằm trực.

Chị Ma sau đó đã tìm đến nhà của chủ cái ruộng cạnh nấm mộ, gặp ông Thổ Địa và nhờ ông ấy báo mộng cho gia chủ rằng cái ruộng cho thuê đang phạm vào mộ của nhà người khác, nếu không trả lại đất để xây mộ thì cả nhà sẽ bị quở trách cho ốm đau liên miên, làm ăn gặp khó khăn và tai ương sẽ rơi xuống đầu. Chị Ma nói với tôi rằng chỉ dọa họ vậy thôi nhưng tôi cứ cảm thấy chị ấy không đùa chút nào, cái chị Lý Ngọc Khuê kia cứ bực mình là đòi bẻ cổ người khác chết tươi còn chị Ngọc Hoa này thì tôi thấy rất khó đoán, chả tìm thấy một hành động nào của chị ấy khiến tôi thấy chị ấy ghê gớm. Cho đến nay thì mạnh nhất tôi mới thấy chị ấy đá bay mụ Mẹ Chẽ và rút đổ mấy gốc tre, Mẹ Chẽ là một mụ xấu tính nên tôi không thương xót gì nhưng không thể làm khó người vô tội được.

-Có thật là chỉ dọa họ không chị?
-Mấy cái việc bé cỏn con này chị cần gì phải đụng tay, Xã Thần ở đây nếu tính tuổi tác thì cũng là đàn em chị thôi à.

Tôi nuốt nước bọt, giọng này thật là uy lực quá đi, bà Già vẫn phải cúng ông Thổ Đị, tôi cũng cung kính ông ấy mà xem chừng chị Ma chả để họ trong mắt, có vẻ như lời nói của chị Lý Ngọc Khuê ít nhiều có cơ sở rồi.

Đêm ấy và mấy đêm sau tôi không thấy bà cô Tổ kéo chân đánh thức tôi dậy, tôi đồ rằng bà cô Tổ nhà tôi chắc cũng biết những việc tôi đang làm nên không có trách phạt. Một buổi chiều ngày 20 Tết, tôi đang ngồi vẽ thì nghe thấy tiếng người gọi ngoài sân.

-Bà Từ có nhà không ấy nhể?
-Bà cháu không ạ! – Tôi đáp vọng ra rồi bỏ bút đứng lên.
-À, thằng lớn con nhà Tr. đây phải không? – Một bà chừng gần bảy mươi tuổi bước vào nhà. – Thế mày ở nhà với bà mày ư?
-Vâng ạ, cháu ở nhà với bà cháu.

Tôi mời bà cụ ấy ngồi tạm lên tấm phản gỗ lim, nhà có hai bà cháu nên chẳng có bàn uống nước, thi thoảng nhà có khách thì toàn là các bà cụ ngồi phệt nhai trầu với bà Già, có mấy cái ghế nhựa màu đỏ mà tôi mua cũng không mấy khi dùng, mãi cho đến đầu nam 2020 khi tôi về thì vẫn là những cái ghế ấy, công nhận hai bà giữ kỹ thật đất. Tôi rót cốc nước vối còn ấm đưa cho bà cụ.

-Bà tìm bà cháu có việc gì không ạ? Nếu cần gấp để cháu đi tìm thử.
-Ừ, bà cũng tìm có tí việc nhưng tiện có mày thì bà nói luôn cũng được, mày về nói lại với bà mày nhé, nhớ nói.
-Vâng, bà cần nhắn gì ạ?
-Chả là nhà bà có hai thửa ruộng ngoài cánh đồng gần khu Bã Mía, mà có một cái ngay cạnh cái mộ nhà mày thì phải, hai thửa đấy bà cho mướn lâu rồi chả hiểu sao người ta lại làm mất nấm rồi vạt đất phạm vào mả. Hôm trước thằng lớn nhà bà gọi về báo cho bà, khổ, chả biết mộ của nhà ai nên đi hỏi gần như khắp làng may có người ở khu Trên bảo xưa chỗ đấy là ruộng nhà mày trước cải cách nên mới biết đấy chứ.
-Cháu không biết việc này nhưng cháu sẽ nói lại với bà cháu ạ.
-Ừ, nhắc bà mày cũng sắp Tết đến nơi rồi thì tìm người xây cất cái mả ấy lên chứ không lại mất nấm, bà cũng có nói với người mướn ruộng rồi nên nhà mày cứ chủ động mà xây nhé.
-Vâng, thế bà tên gì để cháu nhắn lại với bà cháu đến nhà cảm ơn bà.
-Ơn với huệ cái gì, chúng ta già rồi cũng chết, sau này chết tao cũng không muốn ai phạm vào mả của tao đâu. Thế thằng cháu học lớp bao nhiêu rồi?
-Dạ, cháu học lớp 8 ạ, Ô, bà cháu về rồi kìa.
-Ờ, thế thì may quá.

Tôi đi ra ngoài sân cho hai bà ngồi trong nhà nói chuyện, vậy là chị Ma đã giúp tôi hoàn thành được ý định, may mọi thứ đều ổn cả. Sau khi ngồi một lúc nói chuyện với bà Già thì bà kia cũng về, tôi đứng ở sân chào đàng hoàng, tôi rất cảm kích đối với việc bà ấy đã nói.

-May quá bà nhỉ? – Tôi nói với bà Già khi ngồi xuống ghế đẩu.
-Kể ra cũng may thật, bà cô nhà mày linh thiêng như thế, để mai tao phải mua cái gì cúng cho bà cô mới được.
-Giờ thuê người xây hay sao hả bà?
-Phải xem ngày giờ chứ, động mồ động mả mà không xem ngày sợ lại phạm ngày kị thì không được đâu.
-Cháu nghĩ rồi, chả phải nhà mình có hai đồng xu âm dương à? Bố cháu khấn xong cháu thấy hay tung lên, một xấp một ngửa là các cụ đồng ý đấy, để cháu thắp hương xin thử xem có được phép xây không, một lần đồng ý luôn thì hai bà cháu mình làm luôn, cháu còn tiền này.
-Mày cứ vội.
-Mấy hôm nay cháu ngủ không yên, có khi bị quở đấy, cháu sợ.
-Thôi được rồi, thế để tao đi nấu bát cơm với luộc quả trứng. Mày đạp xe đi mua ít lễ về cúng đi, tiện thì vào nhà Ch. hỏi xem nó nó nhận việc không, chứ Tết nhất như này có khi nó lại không nhận xây thì công toi.

Tôi vội đạp xe ra đầu làng mua rượu, mấy gói kẹo và bánh sau đó vào nhà cái chú Ch. thợ xây trong làng hỏi thử, ban đầu chú ấy cũng từ chối vì ngày hôm sau bận đi ăn đám cỗ. Tôi thấy vợ chú ấy đang đứng gần đấy nên cố nói cho vợ chú ấy nghe.

-Chú cố giúp cháu với, xây mộ nhà cháu cũng không tốn nhiều thời gian đâu ạ, chắc chỉ một buổi chiều là xong vì mộ cũng nhỏ. Gạch với xi-măng cháu cũng nhờ chú hết còn công nhật bình thường chú tính bao nhiêu thì cháu sẽ trả gấp đôi.
-Không phải là tao không muốn làm mà ngày mai tao phải đi ăn cỗ thật, cái thằng này.
-Cỗ bàn cái gì – tiếng cô vợ chen ngang - cỗ không ăn năm nay thì năm sau, việc mồ mả nhà người ta thì xây cất đã xem ngày rồi. Mai ông có đi cỗ bàn thì buổi trưa là xong thôi, tôi ở nhà sẽ chuẩn bị gạch với cát chở sẵn ra, ông về làm là vừa.
-Buồn cười nhề? Tôi ...
-Cái gì mà buồn cười, ôi giời ơi! Sao số tôi khổ thế này, Tết nhất đến nơi rồi mà trong nhà chưa sắm sửa được cái gì, ôi giời ơi là giời!
Tôi đứng đó ngó lơ ra chỗ khác, chuyện nhà người ta mình không nên xen vào.
-Thôi nín cái miệng lại, rống lên làng xóm người ta tôi đánh cô đấy à, – chú ấy quay sang tôi – thế mả nhà mình ở đâu ấy nhờ?
-Để cháu mang ít đồ cúng này về cho bà cháu xong cháu quay lại đưa cô ấy ra chỗ sẽ xây chú nhé?
-Thì cứ thế đi – chú Ch. nói rồi tay vớ cái điếu cày châm lửa rít một hơi kêu đến vui tai.
Tôi lấy một gói bích-quy đã để riêng ra và đưa cho cô vợ chú Ch.
-Cái này là cháu mua riêng cho mấy em ăn lấy thảo, không phải đồ cúng đâu ạ. Việc nhà cháu trăm sự nhờ cả vào cô.
-Ôi mày cứ lo, chú ấy nhận lời làm thì chỉ một loáng là xong – cô vợ chú Ch. cưởi giả lả - về nói với bà mày là cứ yên tâm.
-Vâng, thế cô chú cứ tính giúp cháu công xá với gạch, cát luôn cô nhé, tí cháu sang thì nói cho cháu luôn để bà cháu chuẩn bị tiền – Tôi nói đến đoạn đó thì rút tiền ra lấy mấy tờ tiền cho đủ Hai trăm nghìn – Thôi cháu cứ tạm ứng trước một ít để cô lấy tiền mua gạch cho tiện, rồi trừ sau cô nhé?
-Được, mày chu đáo quá, đúng là con bố Tr. có khác.

Tôi chào cô chú Ch. rồi ra về, chả biết tôi giống bố hay giống mẹ về khoản khéo léo nhưng tôi tin rằng phụ nữ thì sẽ thích tiền và cần phải đưa ra một món hời trước mặt, việc tôi đưa tiền trước cũng là một cách hay, ví như tiền mà đưa cho mẹ tôi thì làm sao mà lấy lại được, cho nên nhận tiền rồi tự khắc sẽ hào hứng làm nhanh gọn lẹ để nhận nốt số tiền còn lại. Mặc dù tôi chưa xin đài âm dương nhưng tôi tin rằng bà cô Tổ sẽ chiều theo ý của tôi, chả có lý gì ngăn cản cả, tôi muốn Tết này bà cô Tổ sẽ có một mái nhà mới cho ấm cúng giữa cái rét của mùa Đông mà chỉ vài hôm nữa là đến Tết Ông Táo rồi.

Bố tôi có để ở nhà hai đồng xu cổ trong một cái đĩa trắng tráng men màu xanh, theo tôi nhớ đó là hai đồng thời nhà Thanh có bốn chữ “Càn Long Thông bảo”, đấy là bố tôi nói với tôi như vậy chứ tôi thì rất muốn biết chữ Tàu nhưng chữ Tàu lại không muốn biết tôi. Bố tôi cũng giải thích rằng đồng xu hình tròn tượng trưng cho trời còn lỗ vuông của đồng xu tượng trưng cho đất, điều này tôi hiểu vì quan niệm thời cổ xưa là như vậy, đến ngay như bà Già tôi vẫn cứ khăng khăng nói là trái đất không hình vuông thì hình gì.

-Mày thử leo lên nóc nhà nhìn xem, mày nhìn sẽ thấy là chân trời ở xa xa có giống cái bát úp không nào?
-Bát úp đâu mà bát úp, cháu học không phải như thế.
-Chả hiểu chúng mày học hành kiểu gì, trời không tròn đất không vuông thì sống làm sao được?

Tôi với bà Già hay tranh luận về việc này, bà cứ khăng khăng bảo vệ quan điểm của mình, tuy rằng bà xem TV nhiều nhưng có vẻ như khái niệm thời xa xưa đã in quá rõ trong trí nhớ của bà. Tôi nhớ đâu đó hồi 2014 gì đó có về quê, có Smartphone nên tôi khoe với bà rõ ràng về trái đất với mặt trời cùng các thứ khác, nghe chăm chú xong bà buông mỗi một câu mà tôi không hiểu là câu hỏi hay câu trả lời.

-Thế hử?!
-Thế hử là sao? Bà không nghe cháu nói à?
-Ừ thì trái đất không vuông, có mỗi thế mà mày cứ nói nhiều.
-Tại bà không biết nên cháu mới phải nói nhiều đấy chứ.

Dường như tôi không thay đổi được khái niệm đã in sâu trong trí nhớ hơn 90 năm của bà mà tôi còn bị lây ngược lại, thi thoảng khi tôi đi đâu xa mà tầm nhìn trải rộng tôi cũng hay tự nói với chính mình.

-Có khi trái đất hình vuông thật, nhìn trời đúng như cái bát úp!

Đồng xu dùng để xin đài âm dương có hình tròn và lỗ vuông, tròn – vuông cũng tượng trưng cho âm – dương, trời nằm ngoài đất nằm trong là ứng với quẻ Kinh Dịch mang ý nghĩa thịnh vượng. Để phân biệt thì tôi phải tự nhớ là mặt dương có khắc bốn chữ Càn Long Thông bảo còn mặt âm thì không có chữ ấy, mà sau này thảng hoặc khi tôi cần dùng, tôi phải dùng mấy giây để... nhớ, tôi sợ mình nhớ nhầm.

Như những gì tôi nhớ thì xin đài âm dương chỉ được xin ba lần là tối đa, nếu hai mặt âm thì không được còn hai mặt đều dương thì là miễn cưỡng và tốt nhất là nhất âm nhất dương. Tôi chỉ thích xin một lần chứ không muốn ba lần, sau này nếu tôi có gặp thầy mà xin đài âm dương đến ba lần là tôi không tin vào ước nguyện bởi vì nhiều thầy khéo tay có thể làm được theo ý muốn, với một con dân Bắc Ninh mà cờ bạc có trong máu thì đỉnh cao là cho hai đồng xu đó vào chén bát mà lắc lên, vậy mới công bằng chứ xin Thần xin Thánh không bao giờ là dễ, chả lẽ lại cố đấm ăn xôi xin cho bằng được?

Tôi gần 14 tuổi, lần đầu tiên tôi cảm thấy rất trịnh trọng khi tay trái cầm cái đĩa còn tay phải cầm hai đồng xu, mắt tôi nhìn vào bát hương của bà cô Tổ và nói thầm trong miệng về dự định của mình và mong bà cô Tổ sẽ đồng ý để hai bà cháu có thể tiến hành xây mộ sớm cho yên tâm.

-Keng ! Nhất âm nhất dương.

Một lần tung đã đạt ý nguyện, tôi để cái đĩa đựng hai đồng xu lên ban thờ rồi vái ba vái, bà Già đứng bên cạnh tủm tỉm cười rồi bước tới bên cạnh.

-Nhìn mày cũng ra dáng rồi đấy chứ, sau này tao chết thì tao sẽ phù hộ cho mày.
-Bà cứ nói gở, bà khỏe thế này chết làm sao được.

Tôi không biết bà tôi đã khấn những gì, điều tôi quan tâm bây giờ là ngày mai cái mộ sẽ xây như thế nào, có kịp trong ngày hay không.

***

Ngày 21 trước Tết là Chủ Nhật, tôi dạy khá sớm nhưng cũng không sớm bằng bà tôi được, bà hay dậy lúc gà gáy còn tôi thì thường là 6 giờ, nếu chủ nhật thì tôi không biết, có khi là gần trưa mới dậy.

Đồng tiền quả nhiên có sức hút và đầy cám dỗ.

Tôi đạp xe ra đầu làng tìm cái gì đấy cho vào bụng rồi nhanh chóng đi bộ ra chỗ mộ của bà cô Tổ, từ xa tôi đã thấy bà tôi đứng chắp tay sau lưng ngó nghiêng, gần chỗ bà đứng đã có một đống gạch nhỏ, khoảng hơn nửa bao xi-măng và thêm một đống cát không lớn.

-Người ta chở ra đây sớm thế này không sợ mưa hả bà ơi?
-Sớm với mày ấy, giữa đồng không mông quạnh thế này xây sớm cho nhanh chứ chốc nữa nắng vỡ cả đầu.
-Mà chú Ch. còn đi ăn cỗ mà.
-Cỗ gì, vợ nó chở đống này ra đây từ sớm, tao đang ở chợ Cầu Đình nhìn thấy nên tao đi ra luôn, đứng trông cho nó, nó về lôi cổ chồng nó ra làm luôn.
-Giờ mình quyết định xây mộ tròn bà nhờ?
-Thì tròn cho tiện, lấn xuống ruộng thì cũng lấn một ít của người ta thôi, mình làm quá không được. – bà Già chỉ tay xuống lối đi – lối đi cũng hơi nhỏ nên mình cũng chỉ làm được chừng hai vòng tròn nhỏ là được rồi.
-Làm ba vòng tròn đi bà ạ, ba vòng từ to đến nhỏ nhìn cho giống cái mộ, mà nếu có cắm hương lên nhìn cũng đẹp, giống như cột cờ ấy.
-Cha bố mày, cái gì cũng cợt nhả được. Thôi mày về đi ở đây làm gì, mày biết cái gì đâu mà ở đây?
-Thế bà ở đây một mình à?
-Tao phải ngồi trông coi chúng nó làm chứ, phải xem hết bao nhiêu gạch.
-Ôi bà ơi, phiên phiến lên bà ạ, được việc của mình là tốt rồi, cháu hứa trả chú ấy gấp đôi tiền công, nếu xây đẹp và nhanh có khi còn đưa thêm một ít.
-Mày... mày lại giống cái thằng bố mày, có tí tiền cứ tiêu vung tiêu vãi ra xong rồi hết rớt. – bà lấy tay ấn vào trán tôi – tiêu nó vừa vừa thôi.
-Việc này làm sao mà tiếc được, - tôi lấy tiền trong túi ra – Đây bà cầm lấy này, hôm qua cháu đưa trước Hai trăm rồi, còn thiếu bao nhiêu thì bà cầm trả nốt. Thoáng lên một tí bà ạ, nhà mình cháu thấy chắc có khi phải xây đến cả chục cái ấy chứ, còn phải nhờ người ta nhiều mà.
-Thằng này lắm tiền nhờ.
-Cháu đầy tiền nhưng mà còn mỗi chừng đấy thôi. Thế cháu về tí nữa mang nước ra bà, bà cần gì nữa không?
-Thế mày mang cho tao cái quạt nan, chốc nữa ngồi đây bẩn hết cả quần.

Mộ của bà cô Tổ đến hơn mười giờ sáng đã xong, kể ra thế là chậm nhưng xong là được rồi, nhìn nấm mộ với những viên gạch mới đỏ tươi nho nhỏ, nhô cao hơn lối đi chừng 40cm và lấn khoảng 1/3 xuống ruộng là tôi thấy an lòng. Hi vọng bà cô Tổ không nửa đêm kéo chân tôi thức dậy và chỉ bảo nữa.
---
***

Quỷ là gì , quỷ là đồ chơi là vật buôn bán của ta mà thôi