Bí Ẩn Làng Bưởi Cuốc

Chương 275: Tổng chỉ huy



Không nằm ngoài dự đoán của tôi, ở ngã tư Đề Đổ đúng là có nhiều trẻ con và hai, ba anh hơn tôi khoảng hai, ba tuổi. Trẻ con và những anh này vẫn ở lại làng vào mùa hè vì nhiều lý do khác nhau, những đứa bé thì bố mẹ ở xa quá không về đón hoặc nếu bố mẹ chúng nó ở Hà Nội thì nơi ở quá chật hẹp, mấy anh thanh niên kia thì tôi chắc một điều rằng sẽ chỉ rời làng sau khi... lấy vợ và mở một lò đậu mới. Bác tôi lại có đến ba cô con gái, dĩ nhiên khi con gái tới tuổi cập kê (chị lớn nhất sinh năm 1980) thì đông thanh niên tới chơi cũng là lẽ thường tình.
Trong quán nhỏ ngay Đề Đổ chỉ có một chị của tôi đang ngồi chơi trên cái giường nhỏ cùng hai đứa trẻ con, mấy anh thanh niên bắc ghế ngồi ngay ngoài cửa quán. Chị Quyên – chị lớn nhất, con gái của bác N. năm nay mười tám tuổi – không cao nhưng tính tình rất đon đả, dễ gần, hay cười. Chỉ vài hôm nữa thôi là chị ấy sẽ đi Hà Nội, mẹ tôi muốn kéo chị ấy thoát ly và tìm cơ hội cho chị ấy buôn bán ở Hà Nội cũng như tìm cơ hội lấy chồng, mẹ tôi không muốn cháu mình lấy chồng trong làng để không phải làm đậu phụ nữa. Phải nói thật rằng làm đậu những năm này không hề dễ dàng khi phải thức đêm, thường thì một ngày mới bắt đầu vào khoảng ba giờ sáng. Chị Quyên ra ở nhà tôi, chị ấy bắt đầu tập buôn bán ở Thủ đô bằng mặt hàng dưa và cà muối, dần dần bán thêm các mặt hàng khác ngay ở chợ Nam Đồng, khi ấy chị Quyên hay mua nước cho tôi uống mỗi khi tôi ngồi trông hàng hộ chị ấy chạy về ăn cơm. Tôi không hiểu lý do gì mà sau đó chị ấy rời Hà Nội trở về quê nhưng chỉ sau một thời gian ngắn thì chị ấy lấy chồng ở làng bên cạnh rồi vào lập nghiệp ở thành phố Nha Trang, tôi không gặp chị ấy trong một khoảng thời gian rất dài. Khoảng năm 2012, tôi có dịp đi Nha Trang tìm hiểu thị trường thì tôi tự tìm được đến nhà chị ấy chơi, nói chung là rất vui. Trong các thành phố dọc bờ biển miền Trung thì Nha Trang có thể nói là thành phố mà tôi thích và thông thạo đường sá nhất. Từ sau lần gặp chị ấy cho đến giữa năm 2015 thì tôi đến Nha Trang như đi chợ, tôi còn nhớ ở thành phố có một bãi rác rất lớn, nơi ấy tập trung rất nhiều người khó khăn và tôi cũng tham gia một đợt từ thiện ở nơi ấy. Từ nhỏ đến nay, chuyến từ thiện ở Nha Trang là chuyến duy nhất tôi tham gia bởi vì sau khi trở về tôi cảm thấy tâm trạng mình rất nặng nề. Thôi thì mắt không thấy, tim không đau, tôi không phải là người cứng rắn khi gặp những hoàn cảnh éo le, nếu tôi không giúp được nhiều người thì tôi sẽ giúp những người mình biết để họ sống tốt hơn lên cũng được.
Chị Quyên và chồng chị ấy cho tôi mượn tiền khi tôi mua nhà, tôi rất cảm kích về việc này bởi vì khi ấy tôi chẳng có cái gì để đảm bảo được việc mình sẽ trả nợ được. Món nợ ấy đến gần bốn năm tôi chưa trả hết, đến khi làm ăn khấm khá lên thì tôi trả được rất nhanh, còn lại một số ít khoảng gần hai mươi triệu thì tôi có hẹn là đưa gia đình đi du lịch qua Nha Trang sẽ tạt vào nhà anh chị gửi. Trùng hợp đợt ấy ông anh rể lại vào Sài Gòn, ngồi uống rượu với mấy ông anh họ của tôi bị bơm xăng vá lốp ra sao mà gọi điện mắng tôi chẳng ra gì, tôi nghe điện thoại mà vâng dạ suốt, cúp máy rồi mà buồn nhưng tôi lập tức chuyển khoản trả ngay. Tôi có nhắn tin nói rằng mình đang ở Nha Trang nhưng đổi lịch nên đi thẳng luôn, vợ tôi biết tôi buồn nhưng cũng chẳng có cách nào để giải thích cả. Nhưng tôi để bụng chuyện mấy ông anh họ ngoại của mình chứ không trách anh rể, anh ấy là người như thế nào tôi biết rất rõ, biết đâu đấy, một ngày nào đó tôi sẽ có cơ hội để giúp lại anh chị ấy. Tôi không muốn nợ ơn huệ của ai vì điều này làm tôi bứt rứt mãi không yên, nhất là một mối quan hệ tốt lại kết thúc rất vớ vẩn.
Điều này tôi không nói cho chị tôi biết.
Tôi mua nguyên một can rượu 5 lít và một chai 65 rượu, thêm vài gói bánh, kẹo rồi chào chị ra về, tôi lại phải đánh một vòng tròn đi qua khu vườn hoang nhỏ, để chai 65 rượu cùng một gói kẹo nhỏ cho ông Thổ Địa còn can 5 lít với số bánh kẹo còn lại sau khi được ông Thổ Địa giúp đủn mông thì qua tường không gặp khó khăn gì. Bánh kẹo vào can rượu tôi xách ra tận gò đất nhỏ có mấy ngôi mộ, thắp mấy nén hương ở chỗ kín đáo rồi mở nắp ra, chỉ một lúc sau trong gió đã phảng phất có mùi thơm của rượu. Nghĩa binh ẩn thân kiểu gì tôi không biết, trên đường quay trở vào thì ba ông Tam mới đi ra, tôi nói:
-Cháu chỉ xách được cái can chừng ấy thôi, đông thì mỗi người ngửi một tí hương hoa vậy ông nhé.
-Thế này là quý hóa lắm rồi, bọn ta chẳng biết cảm ơn cháu như thế nào phải.
-Có gì đâu mà cảm ơn, chúng ta cùng phe mà.
Tôi cười tươi với ba ông Tam rồi bò vào chỗ để ba lô, trong ba lô vẫn còn bốn cây pháo hoa nhỏ buộc với nhau bằng dây nịt cùng dăm quả pháo, tôi không nhớ rõ chính xác số lượng pháo là ba hay năm quả. Đứng từ trong vườn sau nhà bà ngoại, tôi vẫn có thể ngửi thấy mùi rượu theo những cơn gió nhẹ đưa đến, tí nữa xong việc thì phải dọn dẹp đống ấy đi không sẽ lộ hết, việc này là ngoài dự tính ban đầu của tôi.
Chờ đợi bao giờ cũng làm cho người ta mệt và sinh ra buồn ngủ, nhất là trong cảnh gió mát và yên tĩnh, tôi ngồi trên gò đất một lúc lâu lại nghĩ đến việc cài bẫy đám người bằng “mìn” nhưng lại không biết họ có đến hay không nên phải từ bỏ. Muỗi không cắn nhưng ngồi bó gối mình trong bóng tối cạnh lũy tre có vẻ như không phải là một lựa chọn hay, chị Đẹp thì biến mất từ nãy không hiện ra, chị Ma chắc đang bận ngồi tán chuyện ở ngoài đồng, mấy ông Tam thì đang say sưa cùng với nghĩa binh, hình như chỉ có mỗi mình tôi không có việc gì để làm. Tôi lần mò tìm cái đồng hồ để trong ba lô để xem giờ.
-Chín giờ mười lăm à, chậc! – Tôi chép tặc lưỡi đứng lên. – Có lẽ mình cũng phải đi dạo một vòng chứ ngồi đây biết đến bao giờ, buồn ngủ quá.
Tôi khoác ba lô lên vai, tay cầm kiếm gỗ bò qua chỗ rào tre để ra cánh đồng, vặn mình vươn vai vài cái thì tôi quyết định sẽ tản bộ về hướng Nam, đến gần gò đất Đầu Rùa thì quay lại, dù sao đám người xấu kia muốn đột nhập vào đất nhà bà ngoại tôi làm gì đấy thì họ sẽ chọn hướng này. Trường hợp họ chọn hướng ngược lại, nghĩa là đi từ hướng Bắc (cánh đồng sau làng) xuống thì kiểu gì mấy ông Tam cũng phát hiện vào báo cho tôi, ba trăm mét với họ khi cần thì chỉ là ba cái nháy mắt chứ mấy.
Tôi lầm lũi bước dọc theo lũy tre làng trong bóng tối, không nhanh không chậm, phía xa xa ở hướng Tây kia là những khối đen kéo dài, những khối đen ấy ban ngày là lũy tre làng bên cạnh, sau lũy tre ấy hẳn là có ngôi nhà của cô bạn lớp phó học tập của tôi. Tôi có nhớ cô bạn của mình không? Thi thoảng là có, cứ nhớ vu vơ như vậy, đọc sách thì người ta bảo như thế là yêu hay thích gì đấy, tôi thì cho rằng chỉ là nhớ, nhớ thì hơn thích một tí chứ yêu chắc không phải. Tôi không dễ dàng dùng từ yêu bởi vì quan niệm của tôi rất đơn giản, cái gì cũng cần phải có thời gian và thăng tiến dần dần, không thể đốt cháy giai đoạn hoặc ngộ nhận được, ngộ nhận sinh ra ảo tưởng và sẽ dễ đau lòng. Sau hơn một tháng căng mình chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp, lúc ấy chỉ muốn kỳ thi đến thật mau để làm bài, để mau thoát khỏi những áp lực, nhưng bây giờ kỳ thi đã qua được một tuần thì cảm giác nhớ bạn bè, trường lớp làm tôi ngẩn ngơ. Tôi không biết nên định nghĩa cảm giác mà mình trải qua lúc này là gì, bâng khuâng ư? Chắc là không phải, có khi do tôi là kẻ hay mơ mộng nên nghĩ nhiều.
Tôi ngồi phệt trên đám cỏ ở gò đất Đầu Rùa, mắt nhìn xa xăm về hướng Nam nơi có cổng bãi tha ma, cái cây khẳng khiu ven đường mà tôi hay thấy mấy vong đứng dựa vào bây giờ giống như những cái que màu đen in trên nền trời màu xám phía sau. Cánh đồng nơi tôi ngồi bây giờ đã gặt xong, những thửa ruộng sẽ được nghỉ ngơi trong vài ngày nữa trước khi được trồng lúa cho vụ lúa tiếp theo, chắc là vụ Thu Đông – tôi nghĩ vậy.
-Cò Tý! Cò Tý!
Tiếng gọi làm tôi trở lại với thực tại, người vừa gọi tôi không ai khác là ma Nẫm.
-Ơ, anh đi đâu đấy?
-Tao đang định chạy lên báo cho Lê tướng quân.
-Có việc gì hả anh? – Tôi đứng phắt dậy.
-Ba người ở ngôi nhà mà bọn tao đang theo dõi vừa rời nhà, bọn họ đi bộ, hành tung rất mờ ám.
-Họ đi đâu?
-Bọn họ vào cầu Đình thì tao chạy đi trước báo tin, phía sau còn ba tuần binh nữa đang theo đám ấy để xem chúng nó lên đây bằng hướng nào.
-Anh chạy đi báo cho ông Tam trước đi, em đi sau.
Ma Nẫm chạy lên phía trước và cái bóng của anh ta nhanh chóng lẫn vào màn đêm, hai tay tôi giữ dây đeo ba lô, bước nhanh như chạy trở lại nhà bà ngoại. Thấp thoáng trước mặt đã thấy chị Ma đứng chờ ở gần lối vào nằm giữa bụi tre lùm cây um tùm phủ lên trên rãnh nước.
-Em đi đâu đấy?
-Em... em ngồi chờ ở ngay đằng kia. – Tôi đáp.
-Ta phải làm gì? – Chị Đẹp đứng bên trong vườn lên tiếng, tôi có chút ngạc nhiên vì tưởng chị ấy không xuất hiện.
-Chị cứ trở lại miếu đi, pháo em chưa đốt đâu. – Tôi hiểu ra vấn đề, chắc là chị ấy háo hức việc xem pháo hoa bắn lên trời hơn là lũ người xấu đang đến. – Nếu chị không trở lại miếu thì cứ theo dõi cũng được ạ. Em không biết chúng mang theo bùa phép gì.
Cuộc họp chớp nhoáng diễn ra ngay bên bờ ruộng, ma Nẫm cũng vẫn đứng ở lại, anh ấy chờ tin từ người tuần binh tiếp theo, cách truyền tin kiểu này tôi chưa từng nghĩ ra trước đó.
-Chị sẽ ở phía gò đất cùng với ông Tam, nếu có âm binh thì chúng ta sẽ đánh tới, ý ông Tam như thế nào?
-Thưa tiểu thư, ta sẽ ở ngoài chỉ huy nghĩa binh, hai ông còn lại sẽ trở vào bên trong vườn đề phòng có biến, cần phải bảo vệ tiểu thư Ngọc Khuê.
-Được! – Chị Ma đồng ý với ý kiến của ông Tam rồi quay sang hỏi tôi. – Còn em?
-Anh Nẫm đây bảo là bọn họ có ba người, trước mắt em sẽ tạm thời nấp ở rãnh nước vì nơi này rất kín, lại tiện ra vào mà không bị phát hiện, giống như lần trước. – Tôi bước vòng qua mấy vong hồn, chỉ tay vào lùm cây um tùm. – Chưa biết bọn họ có dẫn theo âm binh hay không nhưng chắc chắn em sẽ phải di chuyển qua lại liên tục. Hơn nữa, em cũng không muốn đám người này nghi ngờ trong nhà bà ngoại em có gì đấy.
Tôi nhìn một lượt, mọi người đều im lặng nghe, tôi nói tiếp:
-Bọn họ nghi ngờ ở làng này có phù thủy thì cứ để họ nghĩ điều đó là sự thật. Hôm trước bọn họ có nói lão Đường Thốc Tử gửi cả đậu, chị có nhớ không? – Tôi hỏi chị Ma.
-Có! Em nghĩ hôm nay chúng nó sẽ dùng binh ấy?
-Chắc chắn sẽ có âm binh mang theo, dễ nhất là mang theo đậu vì âm binh mắt đỏ gì đấy làm sao mà dẫn qua đình làng được. Có đúng không anh Nẫm?
-Bọn họ không dẫn theo âm binh, chúng tôi quan sát từ khi ba người đó rời khỏi cổng nhà. – Ma Nẫm nói. – Bọn họ đi dọc theo đường cái quan còn chúng tôi đi men theo đường cạnh mương.
-Như vậy có thể khẳng định là chỉ có ba người âm thầm đi vào làng, bọn họ sẽ dùng âm binh phòng thân khi cần thiết. – Tôi nhận định.
-Báooooooooo!
Một tuần binh khác đang chạy đến rất nhanh, âm thanh của anh ta đến trước phần hình ảnh.
-Ba thằng phù thủy dừng lại ở quán nước của bà già đầu làng sau đó đi theo lối giữa làng, có thể bọn nó đi theo đường ra khu Tây. – Anh tuần binh này nói tiếp.
-Là gò Đầu Rùa chỗ em ngồi hả anh Nẫm?
-Đúng! – Ma Nẫm đáp lời tôi rồi hỏi người tuần binh kia. – Còn ai theo bọn nó không?
-Còn hai người.
-Còn bao lâu nữa bọn họ đến đây? – Tôi hỏi.
-Chậm thì nửa khắc! – Anh tuần binh đáp lời tôi.
-Ai sẽ chỉ huy trận đánh này?
Tất cả không ai bảo ai quay sang nhìn chị đẹp Lý Ngọc Khuê rồi nhìn nhau, rồi lại nhìn chị Khuê. Điều chị Đẹp thắc mắc xưa nay hình như chưa ai đề cập, trách nhiệm chung thì cùng nhau gánh vách chứ chẳng ai đề cập đến việc chỉ huy. Ông Tam chỉ huy đội nghĩa binh, chị Ma lại là người chi trả nên có thể xem chị ấy là chủ sở hữu và có quyền sau cùng với đội ấy. Tôi thì làm theo sự sắp đặt của chị Ma và bảo vệ chị ấy, ngược lại, chị ấy cũng bảo vệ tôi nên chưa ai nghĩ đến vấn đề chỉ huy chung thật.
-Em nghĩ chị Ngọc Hoa là chỉ huy. – Tôi nói. – Chị ấy giỏi võ nghệ nhất trong số những người ở đây.
-Chị không thích, chị thích đánh nhau với bọn nó, chỉ huy thì sao mà đánh? – Chị Ma gạt đi.
-Vậy ông Tam là...
-Không! – Chị Đẹp ngắt lời tôi. – Ta nghĩ ngươi chỉ huy là hợp nhất.
-Sao... sao lại là em? – Tôi ngẩn người ra.
-Đúng rồi, em không phải đánh nhau thì làm chỉ huy được. – Chị Ma phụ họa.
-Hả? Nhưng mà chỉ huy phải nhiều tuổi, phải giỏi võ chứ. – Tôi tìm cách thoái thác.
-Ta nghĩ cháu rất phù hợp. – Ông Tam đế thêm vào. – Ta đồng ý với tiểu thư Lý Ngọc Khuê và Công chúa, tiến cử cò Tý là tổng chỉ huy trận này.
-Tao thấy mày làm rất hợp. – Ma Nẫm bồi thêm.
-Nhưng mà em không biết chỉ huy. – Tôi xua tay.
-Bao nhiêu trận đã qua chả phải do cháu chỉ huy Thiên tử quân và binh lính hay sao?
-Đấy là cháu nhờ họ chứ sao chỉ huy được họ.
-Nhưng ở đây ai cũng nghe theo sự sắp đặt của cháu, cháu lại là người duy nhất còn sống, rất hợp làm chỉ huy bởi vì bọn ta không hiểu nhiều về thời bây giờ.
-Ngươi là họ Lý, họ Lý xưa kia có rất nhiều tướng tài, tuy ngươi không tài lắm nhưng chịu khó rèn luyện thì nhất định sẽ thành tài. – Chị Đẹp nói với giọng nửa nghiêm túc, nửa tự hào.
Chị Ma gật đầu, ông Tam gật đầu và như thế tự nhiên tôi bị giao cho chức chỉ huy của trận đánh không tên bên cánh đồng phía Tây của làng, nghĩ cũng buồn cười, một thằng nhóc mười bốn tuổi rưỡi lại được chỉ huy toàn những hồn ma trăm tuổi, nói ra người ta không tin lại còn cười cho thối mũi. Hình như sư thầy lại đoán đúng cái gì đó rồi, thôi thì làm tướng không quân cũng tốt, tôi không coi những hồn ma này là quân lính của mình, họ đều là bạn và có mối liên hệ nhất định nào đó với tôi hoặc nói cách khác, tôi là sợi dây kết nối bọn họ lại với nhau.
-Vậy thì cứ thử nhỉ? Mà em nói trước là em không biết cách đâu nhé, nếu trận này có thua thì không được mắng em.
Tôi vừa nói vừa nhìn quanh một lượt, chị Ma động viên:
-Có chị ở đây thì không thể nào thua.
-Nếu yếu thế tao sẽ gọi thêm người, sẽ không thua. – Ma Nẫm cũng động viên.
-Thắng thua là chuyện thường tình của nhà binh, hình như chúng ta chưa thua trận nào. – Ông Tam phán một câu xanh rờn.
-Thôi, thôi... thời gian không còn nhiều nữa. Chúng ta phải vào việc luôn, vậy em phân công như thế này nhé.
Chị Ma và ông Tam ở trở lại gò đất nhỏ ẩn náu bằng cách nào đó như họ đã dự định, anh tuần binh tôi chưa biết tên (sau này mới biết anh ấy tên tục là... Đất) chạy lên cánh đồng sau làng báo tin cho những vong hồn canh giữ mặt ấy cùng ngài tuần đinh biết để chuẩn bị một đội viện binh khi cần thiết. Ma Nẫm thì tôi không cho anh ta đi, tự nhiên tôi nhớ ra rằng chỉ huy thì cần có liên lạc, trước tôi làm liên lạc cho chị Ma thì giờ phải nhờ người khác làm liên lạc cho mình, tự nhiên oách hẳn.
-Anh là tuần binh của làng đi lại rất tiện, vậy anh nấp trong lùm cây này nhé. – Tôi chỉ tay về phía lùm cây bên trên rãnh nước, rãnh nước ngăn cách đất của nhà bà ngoại tôi với vườn của nhà hàng xóm. – Phòng khi hữu sự em nhờ anh dẫn binh yểm trợ.
Ma Nẫm gật đầu rồi biến mất, vừa lúc ấy tuần binh thứ ba xuất hiện báo tin ba người đàn ông kia đang đi ra hướng gò đất Đầu Rùa, như vậy là chỉ còn khoảng bốn phút nữa là cùng. Anh tuần binh này tôi cũng giữ lại và chỉ cho anh ta chỗ ẩn nấp của ma Nẫm. Như mấy lần trước, tự nhiên ông Trịnh Phi Nhạn không gọi mà tới, ông ta đứng im chờ đợi, kể cả khi ông Tam và chị Ma đã rời đi, tôi biết ông ấy muốn gì nên để dành sắp xếp sau cùng.
-Ông dùng Hỏa binh hay...?
-Ta... ta dùng Hỏa binh! – Ông ta cười rất tươi đáp lời nhanh như chớp.
Tôi tung ra liền một lúc hơn một trăm Hỏa binh, khoảng chừng một trăm hai mươi là ít nhất.
-Đủ chưa ạ?
-Ta... ta nhất định sẽ không phụ lòng tin.
-Có gì đâu mà phụ lòng tin, ông dùng thành thạo Hỏa binh là tốt mà. Vậy ông tính dẫn binh đi đâu?
-Ta sẽ hội quân cùng Lê tướng quân, Hỏa binh yểm trợ rất tốt cho bộ binh mà.
-À đúng nhỉ, vậy... vậy ông Côn đâu?
-Ta đây!
-Hử? – Tôi hơi giật mình vì vừa nhắc tên thì ông ta đã xuất hiện.
-Lê tướng quân nói bây giờ cậu là tổng chỉ huy, cứ gặp cậu là sẽ có binh lính tha hồ mà đánh, hề hề hề...
Thoảng trong gió vẫn có mùi rượu, tôi bật cười và lắc đầu, thì ra mọi người bầu tôi làm tổng chỉ huy đều có mục đích riêng cả, ai cũng thích đánh nhau trực tiếp, không thích bị cho ra rìa, mấy người này thật kỳ lạ. Tất cả số gạo rang còn lại trong cái túi dở còn lại tôi dốc hết ra gọi Kim quân và giao cho ông Nguyễn Thiết Côn, cũng được hơn một trăm binh lính gươm đao sáng loáng, bọn họ mau chóng rời trong chớp mắt.
-Còn ta thì sao?
Cuối cùng thì chị Đẹp cũng lên tiếng vì sốt ruột.
-Chị có biết đánh nhau đâu?
-Nhưng ta biết thứ khác.
-Chị chửi được hả?
-Tiểu thư như ta không chửi rủa kiểu ấy, ngươi đừng có nghĩ ta tầm thường như vậy.
-Thế chị làm được gì nào? Đám kia toàn âm binh đấy. Nếu bẻ cổ vặn đầu thì tí nữa nhận mặt bọn họ là xong mà.
-Ta có thể hát và ngâm thơ, việc ấy sẽ nâng cao sĩ khí ba quân.
-Nhưng giờ chưa cần mà, để xong trận nếu chúng ta thắng, chị hát và ngâm thơ, em bắn pháo hoa, nhá!
-Không, ngươi đừng dụ ta, nếu ngươi không giao cho ta việc gì thì ta sẽ đi theo ngươi.
-Hả? Chị làm sao mà đi đâu được.
-Ngươi bây giờ là chỉ huy, ngươi chả phải sẽ ẩn nấp ở rãnh nước này sao? Ta sẽ ngồi gần ngươi, ta muốn xem ngươi đánh trận.
-Chị ơi, em không phải tướng tá gì như chị nghĩ đâu, em còn chưa được mười lăm tuổi nữa.
-Ta đọc sách nhiều, binh pháp thì ta không đọc nên ta muốn xem, ngươi định từ chối người vừa đưa ngươi lên chức chỉ huy đại tướng quân ư?
-Cái gì mà chỉ huy đại tướng quân? – Tôi cười khổ sở. – Thôi được rồi, thì chị nấp ở đó cũng được, em chỉ sợ đoạn này bẩn, không hợp với chị.
-Ta ở gần thì không có rắn rết hay muỗi hại ngươi, ngươi phải cảm ơn ta.
-Được rồi, được rồi.
Tôi cẩn thận thò chân xuống rãnh nước, lom khom chui vào bụi rậm, chỉ thò đầu ra nhìn về phía Nam chờ đợi, nước dưới rãnh rất ít và thật may không ướt giày.
----
***

Quỷ là gì , quỷ là đồ chơi là vật buôn bán của ta mà thôi