Bí Ẩn Làng Bưởi Cuốc

Chương 220: Đi xa về gần!



Tôi ngồi im trên cái ghế gỗ, tay vẫn cầm quyển vở có bìa màu xanh, khi người đàn ông đứng trong sân gọi to cái tên "Đan" – Gã thầy phù thủy bị cho vào vạc dầu – thêm vài lần không thấy hồi âm, ông ta đi vào nhà rồi mau chóng quay trở ra đứng ngoài cổng, cái mũ cối bỏ ra khỏi đầu phe phẩy như cái quạt, ông ta nhìn trái ngó phải như đang tìm kiếm gã thầy phù thủy có lẽ đang nửa tỉnh nửa mê kia.
Ban trưa trời nắng gắt, đã sang đầu tháng Năm rồi.
Tôi ngồi trên ghế, tim đập nhanh hơn vì căng thẳng, có thể là tôi sợ, tôi đã từng mặt đối mặt với gã Diều Hâu với ánh mắt sắc lẹm dò xét tôi nhưng khi ở nhà mình, cái cảm giác tự tin khiến tôi thoải mái nhưng bây giờ tôi không ở nhà mình nên có chút cảm giác lo lắng. Tôi giả vờ cúi xuống, giở cuốn vở ra xem nhưng đuôi mắt của tôi vẫn theo dõi hành động của người đàn ông mới đến, tôi nhận ra hai bàn tay mình đang run run, hơi thở gấp gáp nên đành đưa bàn tay trái lên miệng để cắn nhẹ, giống như đang suy nghĩ nhưng thật ra đang tìm cách tự trấn an chính mình. Gần một phút sau đó tôi thấy người đàn ông đó bước ra khỏi cổng nhà và đi về quán nước nơi tôi đang ngồi, tôi căng thẳng hơn một chút, trên trán dường như đã lấm tấm mồ hôi không biết vì nắng hay do mất bình tĩnh. Lúc người đàn ông bước chân và ngồi ngang trên cái ghế gỗ dài ở phía bên kia thì tôi cũng đã thở thêm được vài hơi để trấn tĩnh hơn. Tôi dùng tay trái nắm lại và gõ vào đầu mình mấy cái, tôi nghĩ đấy là một cách hay.
- Bà cụ chủ quán đâu rồi nhóc?
Người đàn ông cất tiếng hỏi tôi, tôi ngẩng đầu lên với vẻ mặt có chút nhăn nhó.
- Bà cụ vào nhà ăn trưa chú ơi. Chú uống nước ạ?
- Ờ, mày rót cho chú chén nước chè!
Người đàn ông hất hàm nói với tôi, ông ta lấy từ trong túi áo ngực ra gói thuốc lá Vinataba và rút một điếu đưa lên miệng trong khi ánh mắt vẫn dáo dác nhìn trước ngó sau. Tôi đã bỏ quyển vở sang một bên và đứng dậy lấy cái tích nước bà cụ để ngay gần bên phía trái của tôi và rót cho ông ta một chén nước chè, tôi đưa chén nước cho ông ta bằng hai tay.
- Cháu mời chú ạ!
- Ờ nhóc! – Ông ta hất hàm hỏi tôi. – Chú mày ngồi đây có thấy cái bác thuê nhà bên kia đi đâu không?
- Cháu ngồi đây từ lúc chín giờ nhưng không thấy ai ra vào nhà đâu chú ơi!
- Chú mày không phải cháu của bà cụ này à?
- Dạ không, cháu cũng là khách, bà cụ nhờ cháu trông quán ấy mà.
- Trưa nắng như này chú mày không ở nhà học hành mà ra quán nước ngồi làm cái gì?
- Ở nhà chán lắm chú ạ! – Tôi cười ngượng và gãi đầu, mặt nhăn nhó như con khỉ. – Còn có hơn ba tuần nữa cháu thi tốt nghiệp rồi nên muốn tìm chỗ yên tĩnh để học, ở nhà cháu thì bọn trẻ con nghịch như quỷ sứ, đang nghỉ lễ mà chú.
- Ờ nhỉ, chú mày cũng học lớp 9 rồi cơ à?
- Vâng, cháu bé nhất lớp nên mọi người cứ nghĩ cháu học lớp 8 là cùng.
Tôi đáp lại và cười, lúc này tôi đã cảm thấy khá hơn rất nhiều, ông ta cũng chẳng biết mình là ai thì việc gì mình phải sợ cơ chứ?! Tôi với tay lấy quyển vở và quay lại với việc đọc của mình nhưng tâm hồn tôi đang treo ngược cành cây chứ chẳng đọc được chữ nào ghi trên quyển vở cả, trong đầu tôi lúc này là hàng chục vấn đề, hàng trăm câu hỏi và mông lung những ý nghĩ khác nữa.
- Này nhóc, này! – Người đàn ông gọi tôi đến câu thứ hai tôi mới giật mình ngẩng đầu lên nhìn ông ta. – Học đếch gì mà chăm chú thế, học vừa vừa thôi, học gạo cũng khó mà ra tiền được đấy!
Ông ta đưa cho tôi cái chén nhỏ ra hiệu rót thêm chén nước nữa, tôi vội vàng phục vụ ông ta ngay lập tức với nụ cười gượng gạo trên môi.
- Bọn cháu ngoài học, chơi và ngủ ra thì còn biết làm gì nữa đâu ạ?– Tôi giải thích.
Ông ta ngồi chờ đợi có vẻ bồn chồn, một lát sau lại rút thêm một điếu thuốc nữa ra hút và rồi tôi đặc biệt chú ý khi trên tay người đàn ông này là một cái điện thoại di động như tôi nói tối hôm qua, tôi dỏng tai lên nghe cuộc nói chuyện qua điện thoại của ông ta.
- Em ngồi chờ nãy giờ rồi, không thấy có nhà... Vâng! Cổng thì mở toang hoang, đồ đạc tư trang vẫn như cũ. Dạ? Thì em ngồi chờ ở đây chứ biết lão ấy đi đâu đâu... Vâng! Em biết rồi... Sao ạ? Sao phải đổi chỗ?
Nói đến đoạn này thì người đàn ông quay lưng về phía căn nhà nhìn sau đó ông ta đứng lên, tai vẫn nghe điện thoại, ngó nghiêng như tìm kiếm cái gì đấy, tôi chột dạ khi ông ta đi đến gần cái cửa sổ và nhìn chăm chăm đứng nói chuyện, khoảng cách xa nên tôi không nghe thấy gì mặc dù đã vận hết mười thành công lực nghe trộm. Đứng ở đó một lúc thì ông ta quay trở lại quán nước ra hiệu cho tôi rót thêm một chén nước chè nữa, tôi vội vàng bỏ quyển vở sang một bên để phục vụ ông ta thêm một lần trong khi tai vẫn dỏng lên nghe không sót từ nào, trống ngực cũng vì thế mà đập nhanh hơn.
- Em biết rồi, có dấu vết mới... Vâng! Gặp là bọn em rút luôn về chỗ dự phòng, bác cứ yên tâm, em có phải là tay mơ đâu. Vâng... Vâng...
Ông ta cúp điện thoại và cho vào túi quần, tay cầm chén nước, mắt nheo nheo nhìn ra phía sau lưng tôi như chờ đợi. Đúng lúc này thì bà cụ chủ quán nước đã từ nhà đi ra, bà cụ hỏi tôi có đói không vào nhà ăn bát cơm với gia đình cho vui nhưng tôi từ chối bởi vì cũng sắp phải về rồi.
- Bà ơi, bà cho cháu hỏi cái anh thuê nhà bên kia đi đâu ấy bà nhỉ? – Người đàn ông hỏi thăm bà cụ.
- À, cái nhà anh Đan đó hả?
- Vâng! – Ông ta gật đầu một cách vội vàng.
- Mấy hôm nay anh ta cứ nửa điên nửa dại, anh muốn tìm thì đi ra chỗ mấy cái quán gần chùa ấy, có đêm anh ta còn ngủ ở ngoài ấy có về đâu. Mấy ngày rồi chả thấy tắm giặt gì, như ma đói, tôi phải cho anh ấy ăn cơm đấy! – Bà cụ chép miệng thở dài. – Chả biết làm sao tự dưng lại thế...
- Chùa... Chùa gần đây là chùa... Bút Tháp bà nhỉ?
- Đúng rồi, gần thôi, mà chả biết tại sao anh ấy ban ngày lại cứ thích ra ngoài đấy nằm, chiều chiều lê la về đây tôi xúc cơm cho ăn như hạm sau đó lại đi, cửa nhà toang hoang thế kia là do lúc sớm anh ta mò về, lúc ấy tôi dọn hàng.
- Bà cho cháu gửi tiền nước.
- Anh uống gì nhỉ?
- Chú ấy chỉ uống có ba chén nước chè thôi bà ạ! – Tôi lên tiếng giúp người đàn ông.
Ông ta rút tiền ra và đưa cho bà cụ hai tờ Năm mươi nghìn và nói:
- Ông anh cháu đôi khi tính khí thất thường ấy mà, nhờ có bà trông nom thôi thì của ít lòng nhiều bà cầm cho cháu vui.
Ông ta dúi tiền vào tay bà cụ rồi quay lưng đi vội qua con đường nhỏ rồi nhanh chóng phóng xe đi vào hướng đê sông Đuống, ông ta không hỏi đường đi mà đã biết chứng tỏ rằng đã thông thổ nơi đây.
- Sao chú ấy hớt hải thế bà nhỉ?
Thay vì trả lời tôi, bà cụ kể cho tôi những gì mà bà cụ thấy về người đàn ông tên Đan đang thuê căn nhà đối diện, bà cụ cũng không biết những người này từ đâu đến nhưng họ rất hào phóng, tuy nhiên khá kiệm lời.
Tôi gọi thêm một chai nước Fanta, vừa đưa lên miệng uống thì thấy từ xa người đàn ông lúc nãy đã chở gã thầy phù thủy tên Đan trở về nhà, gã thầy phù thủy này khác rất nhiều so với đêm tôi gặp gã trong giấc mơ. Vẻ mặt của gã thầy phù thủy họ Nhữ bây giờ nhìn phờ phạc, không còn nét tinh anh, trên môi là nụ cười như ngờ nghệch. Người đàn ông vội vàng trở ra quán nước nơi tôi ngồi sau khi đưa gã Đan kia vào nhà, anh ta nói với bà cụ:
- Ông anh cháu chắc lại phát bệnh thần kinh ấy mà, bây giờ cháu phải đưa ông anh ra Hà Nội để khám bệnh xem sao nên cháu trả nhà luôn bà ạ, nhờ bà nói giúp với chủ nhà hộ cháu, tiền cọc thì thôi, nếu chủ nhà cần hỏi việc gì thì đây là số điện thoại của cháu, bà cứ bảo họ gọi cho cháu nhá!
Ông ta đưa cho bà cụ một tờ giấy nhỏ sau đó quay đi, bà cụ để tờ giấy ghi số điện thoại lên trên bàn gần chỗ tôi, lấy một chai nước đè lên cho khỏi bay, vì thế tôi đã đọc và kịp ghi nhớ, tôi chép vội vào quyển vở bằng bút chì.
- Từ đây mình đi Hà Nội thì lên trên đê kia hả bà? Đê kia có về được dưới Hồ không bà nhỉ?
- Đê này hả? đi được ra tận cầu Đuống đấy, còn nếu cháu rẽ phải thì sẽ đi về phố Hồ.
- Cháu mới chỉ biết con đê này thôi chứ chẳng dám đi vì vắng lắm!
- Đường đê mấy ai người ta đi, chỉ những người ở xung quanh đây đi lại thôi, chứ ra Hà Nội thì đi đường Keo chứ. (Quốc lộ 17 đi qua thị trấn Keo)
- Vâng! Thế cháu xin phép bà cháu về nhà.
- Ơ thế không ra chùa hả cháu?
- Còn ngày mai nữa ạ, hôm nay cháu mang có mấy quyển vở nên ngồi từ sáng đến giờ xem đi xem lại cũng xong cả rồi!
Bà cụ trả lại tôi tiền thừa, tôi lấy lại có Mười nghìn còn lẻ Ba nghìn gửi bà cụ xem như tiền uống nước chè vậy. Tôi dắt xe và mau chóng đạp ra về vì tình hình có thay đổi rất nhanh, có vẻ như bọn họ đã phát hiện ra việc ngôi nhà bị đánh dấu, tận mắt thấy việc này khiến tôi càng e dè cái lão Đường Thốc Tử nào đó, tôi đoán người nói chuyện qua điện thoại với người đàn ông ngồi ở quán nước chắc chắn là lão Đường Thốc Tử. Lão không đến, chỉ đạo qua điện thoại mà có thể đoán biết được một số sự việc, e là lần này đối thủ rất khó chơi, lành ít dữ nhiều. Bên cạnh đó, việc tôi rút đi trước là có lý do, lời của bà cụ chủ quán nước đã giúp tôi nhận định rằng hai người đàn ông này sẽ rời khỏi đây theo con đường tôi đang đi bây giờ, họ sẽ rẽ phải khi gặp cầu Dâu và ra Hà Nội. Nếu họ ra Hà Nội thì tôi đành chịu vì việc này ngoài khả năng của tôi, nếu như tôi lớn hơn và có xe máy thì may ra theo dấu được họ chứ xe đạp cọc cạch như này cộng với việc quãng đường xa, tốc độ khác nhau thì sao mà theo kịp cho được.
Tôi đạp đến cầu Dâu thì rẽ trái qua cầu và tìm một quán nước nhỏ ven đường để tiện quan sát, tôi chỉ cần xác định rõ rằng hai người bọn họ sẽ đi Hà Nội là sẽ đạp về, khi cô chủ quán nước mang một cốc nước mía ra thì tôi trả tiền trước. Nước mía uống với đá thật là thích, nhất là trời bây giờ đang nắng, lấy cái đồng hồ Casio từ trong ba lô ra xem thì đã một giờ kém, tôi đeo luôn đồng hồ lên tay và ngồi uống tiếp nước mía. Tôi quên mất rằng mình chưa ăn trưa và vì thế khi uống nước mía vào cứ cảm thấy người bứt rứt, bồn chồn và tay chân bải hoải, rất khó chịu.
Nhìn đồng hồ đã một giờ ba mươi, tôi chột dạ nghĩ: “Có khi nào bọn họ đi Hà Nội bằng đường đê không nhỉ? Hoặc là bọn họ đi đường đê nhưng không ra Hà Nội mà đến cái nơi dự phòng nào đó giống như người đàn ông ngồi ở quán nước đã nói chuyện qua điện thoại?” Sau khi nghĩ đến tình huống này thì tôi lại tự trách mình vì tính láu táu đã vội vàng đón lõng ở đây, bây giờ quay lại thì cũng dở mà ngồi chờ cũng không yên. Đương lúc rối như tơ vò thì tôi nhìn thấy thấp thoáng bóng xe máy sau những rặng cây nên đứng dậy nhìn, khi nhận ra đúng là người mình đang trông mong thì tôi mừng húm, thở phào vì bọn họ cũng đi bằng đường này. Tôi đứng nghển cổ chờ đợi người đàn ông chở theo gã họ Nhữ thì vội vàng thụp xuống thật nhanh vì giật mình, bọn họ không rẽ đi ra hướng Keo mà ngoặt ra hướng về chùa Dâu nên tôi bất ngờ. Thật may cái quán nước mía này bị khuất bởi mấy cái đồ nhựa của cửa hàng bên cạnh nên chắc người đàn ông không nhìn thấy tôi, khi xe máy của bọn họ chạy qua thì tôi quan sát thấy gã họ Nhữ ngồi phía sau hai tay buông thõng, dựa vào lưng của người đàn ông đang điều khiển xe, tôi vội vàng lên xe đạp và bám theo với một khoảng cách không thể gọi là gần được mặc dù bọn họ đi không nhanh, có lẽ do gã họ Nhữ kia không ôm chặt nên xe máy không chạy nhanh được, tuy vậy tôi cũng phải cách bọn họ gần một trăm mét chứ không ít.
Xe máy chạy từ từ qua trường Thuận Thành số 2 thì tôi đến dốc Thanh Khương, khoảng cách có lúc kéo dài đến chừng gần hai trăm mét nhưng đường thẳng và vắng nên tôi cũng cố đạp thật nhanh để bám theo, tuy nhiên vẫn phải giữ khoảng cách trên một trăm mét vì tôi sợ bị phát hiện. Mồ hôi mồ kê nhễ nhại, vừa đạp tôi vừa tự hỏi chính mình rằng tại sao bọn họ lại không đi Hà Nội mà lại đi ngược trở lại, điểm đến sẽ là nơi nào? Hàng tá câu hỏi hiện ra trong đầu tôi nhưng chưa có lời giải đáp cụ thể. Tôi càng ngạc nhiên hơn nữa khi cái xe Cub 81 này chạy qua cổng trường Thuận Thành số 1, trong đầu tôi chợt nghĩ:
- “Hay là ông ta đưa gã thầy phù thủy dở hơi kia đi bệnh viện nhỉ?”
Bệnh viện của huyện cách cổng trường chỉ khoảng hơn ba trăm mét và cũng nằm bên tay trái, nhưng chiếc xe máy ấy không rẽ vào cổng bệnh viện mà tiếp tục đi thẳng. Tôi vừa gò lưng đạp giữa trưa nắng vừa thở, vừa hồi hộp vì không biết hai người này sẽ đi đâu và càng hoảng hốt hơn khi bọn họ băng qua ngã tư Đông Côi đi thẳng, tôi chưa kịp phán đoán thì giật mình bởi vì một giọng con gái vang lên:
- A! Thằng hồi sáng này, bắt lấy nó, bắt lấy!
Tôi vội nhìn sang bên phải, mấy đứa con gái đang ngồi trên bậc thềm cửa của một ngôi nhà hai tầng ngay mặt đường, bọn chúng nó ùa ra nhưng tôi cũng phản xạ rất nhanh, thường thì trước nguy hiểm đến tính mạng ai cũng trở nên phi thường cả, tôi nhấn mạnh pê-đan hai vòng thì vọt qua vừa lúc mấy đứa con gái lao tới, bọn nó vồ hụt tôi, chỉ chậm một tí nữa thôi là chúng nó sẽ đẩy ngã tôi xuống đường cho mà xem, bị con gái đánh cho thì xấu hổ lắm, mà đánh lại thì càng nhục... Thôi thì chạy là thượng sách. Ngoái lại nhìn mấy đứa con gái vẫn đứng ven đường, khoảng cách phải gần hai mươi mét thì tôi dừng xe lại và nói:
- Ê! Mấy con điên, mấy con dở hơi xơi cám lợn, chúng mày giống hệt mấy con yêu tinh trong phim Tây Du Ký, đã ác lại còn xấu ma chê quỷ hờn. Lêu lêu, giỏi thì đuổi bắt tao đi!
Tôi nói xong thì đạp xe vội đi vì nghe thấy tiếng lảnh lót phía sau.
- Lấy đá ném nó đi, ném nó!
Tôi nghe vậy thì cười thầm: “Đợi chúng mày tìm được gạch với đá thì ông cũng đi xa rồi.”, tôi gù lưng đạp thật nhanh vì sợ mất dấu hai người mình đang bám theo và thầm rủa đám chết tiệt kia làm mình chậm trễ việc nên phải đạp bù. À, thật ra thì chậm mất vài giây vì bận đứng lại mắng chúng nó, con gái con đứa mất nết, phải em gái tôi thì tôi đánh cho một trận, sau này tốt nhất nên tránh xa mấy đứa chằn tinh như thế mới được, ma quỷ cách xa ba sải tay thì đám yêu tinh nhền nhện này phải cách xa ba mét cho an toàn. Tôi thấy bọn nó còn đáng sợ hơn cả mấy vong hồn bởi vì vong hồn gặp tôi sẽ mất điện còn tôi gặp bọn nó thì tôi mất điện, theo tính chất bắc cầu mà tôi học thì bọn này ghê gớm hơn cả ma quỷ.
Bóng dáng của cái xe Cub 81 với bóng lưng của gã họ Nhữ phía xa xa nhưng vẫn trong tầm mắt tôi, con đường Quốc lộ 17 vào đầu giờ chiều nắng chang chang, bên phải tôi lúc này là bắt đầu đến cánh đồng Quán Dê và sau đoạn hàng cây thì bên tay trái có mấy cái lò gạch.
Tôi vẫn tò mò hai gã này sẽ rẽ vào đâu khi từng cây cầu nhỏ bên tay trái bị bỏ qua, đến cầu Thường Vũ thì chiếc xe 81 rẽ vào, điều này khiến mồ hôi trên trán tôi đang chảy xuống ướt đẫm, dù trời nóng bức nhưng bỗng nhiên tôi cảm thấy lạnh toát bởi vì tôi có những dự cảm không tốt. Khoảng cách bây giờ giữa tôi và bọn họ cũng gần hai trăm mét. Tôi chưa đi đến cầu Thường Vũ nhưng khoảng trống mênh mông ở phía cánh đồng bên trái giúp tôi nhìn thấy chiếc xe máy rẽ luôn vào cái ngõ đầu tiên bên phải tính từ cầu Thường Vũ, tôi không lạ gì con đường này. Tôi vội dừng xe đạp lại ngay bên vệ đường Quốc lộ 17 và nhìn chếch sang hướng ấy, cái ngõ đó rất thoáng vì một bên là cái ao lớn, sở dĩ tôi dừng lại bởi vì từ chỗ tôi đứng nếu tính theo đường chim bay thì chưa đến hai trăm mét là tới đầu cái ngõ ấy, nếu bọn họ rẽ vào ngõ đi hết cái ao và rẽ trái thì tôi sẽ nhìn thấy vì rất thoáng, còn nếu đi thẳng hoặc rẽ phải thì tôi chịu không nhìn thấy. Địa hình của khu vực mà bọn họ mới rẽ vào tôi không lạ gì, tuy không rành như làng của tôi nhưng mà... Nhưng mà nhà con bé lớp phó tóc dài chẳng phải là ở khu này hay sao?
Nếu nơi ở dự phòng của đám người này chính là ở thôn này thì nguy to bởi vì chỉ cách một cánh đồng là đến lũy tre của làng tôi, tính theo đường thẳng có lẽ chỉ tầm năm trăm mét, nếu có hơn cũng không đáng kể.
- “Sư thầy bảo rằng hướng Tây không tốt!”
Tôi chợt nhớ lời sư thầy đã nói với tôi khoảng một tháng trước đây, trước khi có những vong hồn lạ mặt xuất hiện và vào làng thám thính.
Tôi đứng giữa đường cái dưới cái nắng như đổ lửa một lúc, vẫn không thấy bóng dáng cái xe máy xuất hiện ở phía bên kia của cái ao nên tôi khẳng định rằng họ đã đi thẳng và nơi mà bọn họ đang ở, sẽ ở chắc chắn là một ngôi nhà nằm rìa làng, nhìn qua được làng tôi một cách dễ dàng. Tôi khẳng định một trăm phần trăm bởi nếu như họ rẽ phải sẽ là ngõ cụt, cuối ngõ cụt là nhà cô bạn cùng lớp của tôi mà!
Tôi đạp xe thật chậm đến quán nước tương đối quen mặt ở đầu cầu Thường Vũ và quan sát xem có chiếc xe 81 nào trở ra hay không, ngồi thêm mười lăm phút thì tôi mới nghĩ ra, nếu tôi ngồi tiếp ở đây mà vô tình người đàn ông điều khiển xe 81 đó quay trở ra thì lộ hết.
Tôi đạp xe như ma đuổi trở về nhà mà trong lòng rối như tơ vò, tôi tưởng mình phải đi xa mãi đâu đâu hóa ra lại về gần làng, sau cùng đúng là bọn nó nhắm đến miếu của chị Lý Ngọc Khuê, không thể sai được.

---
***

Quỷ là gì , quỷ là đồ chơi là vật buôn bán của ta mà thôi