Bí Ẩn Làng Bưởi Cuốc

Chương 117: Đại náo nha môn (P.3)



Từ ngữ Việt Nam rất phong phú, cùng để miêu tả một người thông minh trong giao tiếp thì người ta lại có cách biểu đạt khác nhau. Nếu họ có ý khen ngợi thì sẽ dùng từ "lanh lợi" nhưng nếu có ý gièm pha thì lại dùng từ "lươn lẹo"... Suy cho cùng, người lươn lẹo hay lanh lợi cũng là người thông minh. Tôi thì vừa lanh lợi vừa lươn lẹo bởi vì đi với Bụt mặc áo cà sa, đi với ma tôi sẽ mặc áo giấy.

Chị Ma đã nói với tôi rằng chẳng mấy khi cửa quan mở toang hoang cho bàn dân thiên hạ (ý nói ma cỏ trong vùng) tề tựu về đông đủ xem quan tra xét cũng như thể hiện uy quyền của quan. Quan thì thời nào cũng vậy, ở trần gian hay dưới âm ty thì cũng chẳng khác nhau là mấy, nhưng cần phải lưu ý rằng trí thông minh của một đứa bé 14 tuổi thời hiện đại nếu đi ngược thời gian trở về nhiều trăm năm trước thì sẽ là thiên tài, sẽ được trọng dụng, thậm chí chẳng cần qua thi cử cũng có thể làm quan nếu muốn.

Trước mặt tôi bây giờ là một ông quan nhưng không đội mũ ô sa mà đội khăn xếp, những người khác tôi không biết vai vế và chức vụ thì đều ngồi ở mấy cái ghế gỗ có lưng tựa, mặt người nào cũng nhợt nhạt, tôi không biết đó là do họ tỏ ra nghiêm nghị hay bình thường họ vẫn như vậy. Tôi đã từng nghe người nọ người kia gọi tôi là con cháu nhà họ Lý, tôi từ bán tín bán nghi cho đến mặc kệ, thích gọi sao cũng được. Tuy vậy, sau nhiều sự việc thì tôi bắt đầu tin rằng mình thật sự mang họ Lý. Tôi đã gặp được một số người khuất mặt và tuyệt nhiên chưa thấy ai mang họ Lý. Bây giờ tôi đang đứng trước cái sân rất rộng với khung cảnh bốn bề giả giả thật thật như trên sân khấu tuồng này thì tôi lại tò mò không biết trong số những ông đang ăn mặc chỉnh tề, áo dài khăn đóng chân đi guốc hoặc giày vải kia có ai họ hàng hang hốc với mình hay không. Tôi nhìn những người lính lệ (lính tạp vụ) đang đứng ngây như tượng gỗ, ánh mắt vô hồn kia liệu có ai là họ hàng dây mơ rễ má với tôi? Dù sao, đây vẫn là huyện nhà cơ mà... À không, đúng hơn nên gọi là âm ty huyện nhà.

***

Đối với làng quê Bắc Bộ nói chung thì tính cộng đồng làng xóm rất mạnh, bình thường người cùng làng vẫn có thể đánh cãi chửi nhau nhưng khi có một người thứ ba không thuộc làng của họ tham gia vào thì họ sẽ tạm gác hiềm khích lại để cùng nhau đối phó với “giặc ngoài”. Mọi hỉ nộ ái ố đều diễn ra bên trong lũy tre làng tự ngàn đời xưa cho đến nay thì biến tấu đi khác một chút, những người làng bỏ xứ đi làm ăn mà thấy khấm khá sẽ quay về kéo theo anh chị em họ hàng rồi sau đó gần như cả làng thoát ly, làng tôi chỉ là một ví dụ nhỏ mà thôi.

Trong suốt chiều dài lịch sử Việt Nam thì có giặc đến thì chung tay đánh giặc nhưng khi giặc tan lại quay ra đánh lẫn nhau. Tôi không biết có bao nhiêu người đã khuất xuống dưới âm ty và trở thành quan hay thần vì tôi cũng ít hỏi, tôi không có ý định làm quan khi chết đi, nếu có thể đổi vận tôi thích làm thầy cãi hơn là thầy dùi vì tôi nghĩ mình là một đứa cãi lý tốt.

***

- Thưa quan lớn! – Tôi cất tiếng – Bà nội tôi hay dạy rằng không được ăn gian nói dối vì khi chết đi sẽ bị quỷ sứ rạch miệng, tôi chỉ không biết là nếu đã trở thành vong hồn thì tội ăn gian nói dối liệu có bị rạch miệng hay không?

- Bà ngươi đã dạy đúng, khi còn sống thì nên ăn ngay nói thẳng thì sẽ không bị quỷ sứ rạch miệng, ngay cả khi đã là vong hồn, nhẹ thì 100 trượng, nặng thì rạch miệng và nặng nhất là sẽ bị đi đày và trở thành vong hồn vất vưởng, vạn kiếp không siêu sinh!

- Hôm nay tôi được gọi đến để đối chất việc đốt miếu Xã Thần Quán Dê, ông Chuông đây nói "Có" còn tôi nói "Không" sẽ rất khó để tìm được sự thật. Tôi xin quan cho tôi tự đi tìm sự trong sạch cho mình, tôi chỉ mới 14 tuổi, còn rất trẻ và không thể có vết nhơ khó rửa sạch được ạ!
- Ngươi định làm gì?
- Thưa quan lớn, tôi muốn hỏi ông Chuông thêm một số điều để làm sáng tỏ... – tôi quay sang Phan Chuông – Ông khẳng định rằng đã thấy tôi phá miếu Xã Thần Quán Dê và chỉ một mình ông nhìn thấy đúng không, thưa ông?
- Đúng! – Phan Chuông khẳng định chắc nịch.
- Thưa quan lớn, bà nội tôi cũng kể rằng khi đã là ma thì có thể đi mây về gió như thần tiên có phải không ạ?
- Chỉ thần tiên thôi! – Đặng tri huyện lắc đầu phủ nhận lời tôi nói – Làm ma thì đi nhanh nhưng cũng chỉ trong những khu vực nhất định và không được đi lại lung tung, ngoại trừ... Mà thôi ta đã trả lời ngươi rồi!
- Nhiều người khuất mặt đã khẳng định nhìn thấy ông Chuông đây ăn uống no say đồ cúng vong ở đền Bình Ngô từ sáng sớm đến chập tối, không chỉ một người mà có nhiều người nên tôi tin rằng điều đó là đúng... Nhưng tôi với ông Chuông không thù hằn, ông ấy cũng là người tốt thì hà cớ gì lại hại một đứa trẻ?! - Tôi quay sang nhìn khuôn mặt đắc ý của Phan Chuông – Ông thấy tôi nói đúng không, thưa ông?
- Ta là người tốt, tất nhiên, ta cũng không có thù oán gì với mày thì sao phải vu vạ mày làm gì?! Ta chỉ nói sự thật những gì mình nhìn thấy tận mắt!
- Vậy là... Ông Chuông đi uống rượu từ sớm rồi vô tình lúc đi giải giữa đồng không mông quạnh và tình cờ thấy tôi đốt miếu, ngôi miếu ở cánh đồng Quán Dê của ông Xã Thần...

Tôi tạm ngưng nói để nhìn qua Phan Chuông, thấy gã gật gù có vẻ tán đồng nên tôi hỏi:

- Có phải như vậy không, thưa ông Chuông?
- Đúng! Quả là lúc đó ta đi giải vô tình thấy, chứ ta có biết ngươi là ai đâu?!
- Tại sao ông muốn đi giải mà không tìm chỗ gần xung quanh đền Bình Ngô mà lại phải đi đến tận cánh đồng Quán Dê?
- À… à, ở đấy mát hơn!
- Thưa quan lớn! - Tôi quay lên nhìn ông quan đang có vẻ chăm chú theo dõi cuộc nói chuyện của tôi - Tôi biết người lớn đều có uống rượu dù là còn sống hay đã mất, chả lẽ đang ngồi chén chú chén anh mà lại phải chạy qua ba quãng đồng chỉ để đứng giải hay sao?
- Mày… mày nói thế là có… có ý gì? – Phan Chuông lại chỉ mặt tôi hỏi.
- Tuy lời ngươi nói có vẻ hợp lý... - Quan tri huyện gật gù – Nhưng cũng không ai quy định việc đi giải ở đâu, đấy là sở thích của mỗi người.
- Thằng Chuông là thằng nát rượu! – Giọng của chị Ma vọng tới, chắc chị ấy vẫn đang lẫn trong đám đông để bơm xăm vá lốp - Ai đời đang uống rượu say túy lúy lại đi xa như thế để giải quyết rồi quay lại uống tiếp, các ông các bà thấy có hợp lý không?
Tiếng ồn ào rộ lên, xen lẫn cả tiếng cười chói tai, tôi cứ tưởng tượng giống như cái micro ở đám cưới cậu Út tôi hú lên khi vô tình hướng về cái loa to đùng vậy.
- Ông nhất mực khẳng định tôi đã đốt miếu còn tôi khẳng định mình không làm... Bây giờ tôi sẽ mời những người đã ngồi uống rượu cùng với ông suốt cả ngày hôm đó thì ông nghĩ sao? Họ quả quyết nói với tôi rằng ông uống xong thì nằm bẹp tại chỗ, tiểu cả ra quần, say quắc cần câu đến chập tối mới tỉnh.
- Không thể có chuyện đó được! - Phan Chuông gạt đi – Bẩm quan lớn, thằng bé này lẻo mép, gian xảo, nó... nó, tôi… tôi… bẩm quan... Nó đặt điều cho tôi! Quả thật là tôi đã tận mắt nhìn thấy nó đốt phá miếu đất!
- Mồ mả của ông có ở cánh đồng đó không thưa ông Chuông?
- Không! – Phan Chuông gạt phắt như đỉa phải vôi.
- Ông có trình báo với quan rằng tôi đã sục sạo khắp cánh đồng trong nửa tháng để tìm ngôi miếu, vậy là ông đã nhìn thấy tôi nhiều lần?
- Đúng!
- Ông có nhớ tôi mặc quần áo như thế nào không? Ví dụ một lần bất kỳ mà ông thấy rõ?
- Ta… ta… ta già rồi, ta không nhớ mấy thứ đó! Ta chỉ nhớ mặt ngươi mà thôi!
- Ngươi thừa nhận bản thân có sục sạo khắp cánh đồng Quán Dê? – Đặng tri huyện chen ngang hỏi tôi – Đúng chứ thằng bé?
- Thưa, đúng ạ! – Tôi gật đầu.
- Nó… nó đã thừa nhận lời tôi là… là đúng!

Phan Chuông hớn hở như vừa thoát được một gánh nặng, điều này làm tôi khẳng định rằng ông ta nói dối, có thể ông ta đã nhận tiền để nói láo.

- Vậy ngươi còn chối gì nữa?

Đặng tri huyện mắt nheo nheo đầy nghi hoặc, nghiêng nghiêng đầu sang một bên, một tay chống lên gò má, tay còn lại gõ nhịp lên bàn.

- Các quan đã thẩm tra lý lịch của tôi, hẳn biết rằng gia đình tôi bao đời nay đều là địa chủ, đến đời ông tôi vì một số lý do oan ức mà mất hết ruộng đất cấy cày, sau người ta chia ruộng lại cho ông bà nội tôi ở cánh đồng Quán Dê. Nay ông tôi đã mất, bà tôi thì già yếu, bố mẹ tôi không còn làm ruộng trong khi tôi là một người yêu thích làng quê, kính trọng các bậc cha ông nên bản thân tôi muốn đi tìm hiểu một lần về cánh đồng mà nhiều năm trước bà nội tôi đã từng cày cấy, điều này đâu có gì sai?
- Không sai nhưng lại không hợp lý!
- Thưa quan, vậy tôi xin phép hỏi rằng, tôi được biết Xã Thần là người cai quản đất đai, mọi chuyện trong khu vực quản lý đều biết rõ, vậy tại sao tôi không thấy cái ông Xã Thần ở cánh đồng đó? – Tôi chỉ đại vào một người đàn ông đang ngồi gần tôi - Ông là Xã Thần Quán Dê ạ?

Ông ta lắc đầu, tôi chỉ vào người thứ hai, người ấy cũng lắc đầu.

- Tôi nghĩ sau này hôm nay tôi sẽ không thờ cúng Xã Thần, Thổ địa. Tôi cũng sẽ nói với mọi người không nên thờ cúng các ông ấy nữa vì các ông ấy vô dụng!
- Tại sao ngươi lại làm như thế? – Quan hỏi.
- Vì có mỗi cái việc một thằng trẻ ranh như tôi sục sạo ở cánh đồng mà thần không biết, quỷ không hay, Xã Thần cũng mất mặt, chỉ có mỗi ông Chuông này biết. Tôi đang nghi ngờ ông Chuông này chính là ông Xã Thần, nếu thế thì quả thật đã nhìn thấy mặt tôi!
- Ta không phải Xã Thần! – Phan Chuông xua tay.
- Hay là như này ạ, quan cứ cho mời cái ông Xã Thần Quán Dê tới hỏi là xong, ông ấy bảo có là có mà bảo không là không, tôi sẽ nghe theo Xã Thần, tôi luôn tin vào thần thánh là người ăn ngay nói thẳng không gian dối nửa lời.

Tôi thấy hai bàn tay của Phan Chuông đan vào nhau nhưng cử chỉ có vẻ không tự nhiên, tôi đoán gã ta đang bồn chồn, lo lắng.

- Nếu Xã Thần Quán Dê chỉ mặt tôi bảo chính là tôi thì tội tôi nặng nhưng nếu Xã Thần bảo không phải tôi thì phải rạch miệng ông Phan Chuông vì tội vu cáo, ăn gian nói dối. Tôi mong quan nên gọi Xã Thần đến để hỏi là xong.

Đám đông ma quỷ lao xao phụ họa, chị Ma đã dặn tôi không được quay nhìn lại phía sau cho dù có bất cứ tiếng kêu gào dù ủng hộ hay gọi tên tôi... Có thể chị ấy lo tôi bị nhiều ma quỷ nhận diện.

- Mời ông Xã Thần đến là xong việc, có mỗi thế mà làm không được?
- Thế này là quan nhà mình lại nhận tiền ton lót (hối lộ) nên làm chẳng tới!
- Ông Xã Thần ấy chết rồi! Bao năm có thấy mặt ông ta đâu?!

Thêm tiếng cười ma quái cất lên từ phía sau lưng tôi lẫn với tiếng dè bỉu, xỉa xói, phải đến khi ông quan tri huyện đập miếng gỗ xuống bàn thì phía sau lưng tôi lại yên đi một chút, tôi không nghe thấy tiếng đập bàn nhưng tôi đoán đó là một tiếng “Cạch” hoặc “Rầm”. Chị Ma đang điều khiển trò chơi của chị ấy, nơi tôi đang đứng chẳng khác gì một sân khấu kịch và tôi là một diễn viên không chuyên. Tôi lờ mờ hiểu rằng đằng sau chuyện này có gì đó uẩn khúc nên bọn họ cần một người để đổ vạ, họ chọn tôi vì nghĩ tôi là trẻ con, sẽ dễ dàng đe nẹt, ép tội. Trong đầu tôi đã hình thành suy nghĩ phải tìm cách diệt trừ gã Phan Chuông này, sự ngu ngốc của gã có thể sẽ làm hại những người vô tội. Nếu như hôm nay không phải là tôi mà là người nào đó khác khi lúc tỉnh dậy sau một cơn mê và đột nhiên biến thành một người độn tri mà chính họ cũng không bao giờ hiểu được tại sao lại như vậy, người thân của họ sẽ đổ cho số phận hoặc mồ mả bị động, tuy trường hợp này hiếm nhưng nếu tiện tay thì nên loại hắn đi, là ma nhưng xấu xa thì không nên tồn tại.

Mặc dù tôi chính là kẻ đốt phá miếu đất, sự thật chính là như vậy nhưng tôi đã nói rằng tôi không làm việc đấy, một lời nói dối nếu cứ lặp đi lặp lại thì nó sẽ trở thành thật, thật đến mức chính tôi cũng không tin bản thân mình đốt phá miếu ấy, như thế có được gọi là nói dối thành thần hay không?

- Thưa quan lớn, liệu có phải ông Xã Thần Quán Dê đã chết rồi hay không? Tôi nghe nói như vậy.
- Ngươi không nên nghe những điều được nói ra từ miệng của đám hạ nhân ấy!

Ông quan tri huyện phẩy tay ý muốn gạt bỏ lời tôi sau đó ông ta ra hiệu cho những người đang ngồi phía trước lại gần ông ấy, họ chụm đầu bàn bạc nhưng tôi không nghe thấy gì, khoảng cách không xa nhưng tôi đoán rằng mình chỉ có thể nghe thấy, nhìn thấy nếu họ muốn cho mình nghe và nhìn, trừ khi bản thân tôi có thể trở thành một thầy phù thủy hoặc đại loại như vậy, hẳn là sẽ nghe và nhìn thấy nhiều hơn.

Quỷ là gì , quỷ là đồ chơi là vật buôn bán của ta mà thôi