Bí Ẩn Làng Bưởi Cuốc

Chương 105: Con Mực cụp đuôi



Trưa hôm sau trên đường đi học về, tôi có hỏi R9 và Chắc Gạo.

- Chúng mày đã nghe thấy chim lợn kêu bao giờ chưa?
- Đêm hôm qua tao có nghe – Chắc Gạo lúc này đang học lớp 7, nhà nó nếu tính theo đường chim bay thì không xa nhà tôi lắm nên chắc đã nghe thấy tiếng kêu đêm qua – Tao cứ tưởng nửa đêm nhà ai mổ lợn, bà tao bảo là chim lợn tao mới biết.
- Tao chưa nghe thấy bao giờ nhưng tao có nghe nói là nó kêu ở đâu là ở khu đó có người sắp chết đấy. – R9 cho thêm ý kiến – Nhưng tao không tin lắm.
- Sáng hôm qua tao đã thấy nó kêu, thằng L. còn mang súng cao su bắn mà trượt, đêm qua nó lại kêu ngay gần nhà tao luôn.
- Chỗ nhà mày lác đác có vài người thôi mà – R9 nói – Có nhiều người già nữa.
- Bà tao cũng già rồi, tao sợ con chim ấy kêu để báo rằng bà tao sẽ chết.
- Linh tinh, tao thấy bà mày có bệnh tật gì đâu?
- Thì biết thế nhưng con chim nó kêu thế làm tao bồn chồn từ ngày hôm qua đến giờ.
- Không sao đâu – Chắc Gạo chen vào – Sao đâu mà, chim thì nó không kêu gần nhà mày thì nó kêu ở gần nhà khác, ai già rồi chẳng phải chết mày cứ lo, các cụ bà ở làng mình đều sống lâu cả đấy, chỉ đàn ông mới chết sớm thôi.
- Ừ! – Tôi gật gù nhưng vẫn không giấu được tiếng thở dài. – Cũng biết là thế, hôm qua tao mới nhìn thấy con chim ấy ở trên cây xoan cao cao, chả biết mặt mũi nó thế nào mà bà tao bảo nó là sứ giả của Diêm Vương đấy.
- Con chim ấy mà con quay lại thì chắc sẽ vào nồi, – R9 nhận định – Thằng L. đó sát chim vãi luôn, tao thấy bảo nó hay bắn chim để nướng khi đi chăn trâu đấy.
- Thằng đó thì cái gì liên quan đến tố chất nông dân là tao cũng thấy nó giỏi hết, chả bù cho bọn mình. – Tôi khẳng định chắc nịch.

Về nhà ăn cơm trưa, tôi vẫn thấy bà Già khỏe mạnh như bình thường, chẳng có dấu hiệu nào của bệnh tật cả, mà nhìn bà cũng thản nhiên như không, tôi thì không thản nhiên được như thế. Tính tôi cái gì đã không biết thì thôi chứ nếu đã biết một chút nửa chừng rất khó chịu, tôi thật sự ước ao rằng mình sẽ tóm được con chim lợn chết tiệt ấy rồi bóp mồm nó hỏi xem nó định nói cái gì mà một ngày kêu ở đầu hồi nhà tôi hai lần, lại nửa đêm nửa hôm rống lên như lợn bị chọc tiết làm tôi cũng bủn rủn chân tay.

Một buổi chiều trôi qua, tôi nằm trên võng đong đưa và mắt lim dim như muốn ngủ nhưng thực ra tôi đang suy nghĩ về lời kể của bà hay vài câu vu vơ của bọn R9 và Chắc Gạo. Nếu quả đúng là con chim lợn ấy là sứ giả đến báo tin thì nó định báo điều gì, có lẽ nó đã báo rất nhiều tin xấu và nhiều người đã nghe thấy trong bao nhiêu năm cho nên xâu chuỗi lại sau đó đưa ra một nhận định. Tôi thở dài vì mình chẳng có nhiều thông tin, giá như có một thư viện hay một pho từ điển sống nào đó giải đáp mọi thắc mắc thì thật sự quá tuyệt vời, tôi đỡ phải suy nghĩ nhiều.

Chập tối tôi lại ra vườn thắp hương cho chị Ngọc Hoa, do chẳng có bát hương nên hôm nay thắp thì ngày mai tôi lại rút lên để một chỗ rồi đốt, chẳng ai biết khu vườn đã từng cắm cả nghìn chân hương trong suốt mấy năm trời. Tôi cắm hương xong ngồi thở dài não nề, tôi cứ băn khoăn về con chim lợn, giá như chị Ma xuất hiện và giải đáp cho tôi thì hay biết mấy, bà tôi mới hơn 70 tuổi còn chị ấy tính ra cũng phải hơn 600 tuổi hẳn là sẽ biết thêm ít nhiều và đặc biệt quan trọng chị ấy... cũng là ma, tuy tôi không xem chị ấy là ma nhưng thực tế đúng là như thế.

-Nhìn mặt em sao ảo não thế?

Tiếng chị Ma văng vẳng bên tai làm tôi giật mình ngã ngồi ra phía sau.

-Chị làm em giật mình.
-Em mải suy nghĩ cái gì thế?

Chị Ma nhẹ nhàng xuất hiện và ngồi đối diện tôi nhưng xéo về hướng bên trái.

-May quá gặp chị, em đang mong gặp chị để hỏi vài điều mà hai hôm nay em thắc mắc chẳng biết hỏi ai.
-Em định hỏi gì nào, biết thì chị sẽ nói cho em ngay. Mấy hôm rồi đi ngắm nghía hội Lim thấy đông người quá, em biết hội Lim không?
-Dạ không, em chỉ nghe nói nó ở tỉnh này thôi chứ em không biết ở đâu.
-Có dịp thì nên đi chơi, chị thấy cũng vui đấy, đi chơi thích hơn ngủ nhiều nhưng mấy hôm nay chị ngủ bù, bbọn tìm vàng tìm của thì chưa thấy có tin tức gì.
-Chả là hôm qua em có hai lần nghe thấy chim lợn kêu, chị biết con chim lợn không?
-Chị biết, làm sao?
-Nó đậu ở đầu hồi nhà, phía bên cây xoan ở góc kia kìa – tôi ngoái đầu và chỉ tay về hướng cây xoan xa xa. – nó kêu thảm thiết lắm ạ, một lần vào buổi sáng và một lần là nửa đêm qua. Bà em bảo nó là sứ giả của Diêm Vương, nó chõ mỏ vào đâu kêu là ở đó sẽ có người chết, em sợ là bà em ...
-Chim lợn nó kêu theo giờ, nếu nó kêu vào giờ Tuất thì gia đình sẽ có mấy việc liên quan đến tang, nó kêu vào giờ Hợi thì có thể có tin xấu từ người thân ở xa, giờ Tý thì một người thân mất, giờ Sửu thì đi lại dễ gặp tai họa còn nếu trong nhà đang có người đau bệnh mà nó kêu vào lúc trước gà gáy, khoảng giờ Dần thì khó mà qua, nội trong ba ngày thì Hắc Bạch Vô Thường sẽ đến đón đi. Cái này cũng trong dân gian cũng truyền từ lâu rồi, thời chị còn nhỏ mẹ chị cũng có nói, từ hồi về đây thì chị chẳng có người thân nên chị cũng không mấy khi quan tâm đến mấy thứ điềm báo ấy.
-Nhưng... liệu nó có báo đúng không chị?
-Có thể không phải tuyệt đối nhưng khá đúng đấy em.
-Bà em bảo là nếu có kêu 9 tiếng thì người chết sẽ là phụ nữ, mà nhà em thì ...
-Cũng không hẳn là cứ kêu là sẽ có người chết,cũng có thể chỉ là gặp nguy hiểm hoặc gặp chuyện không may thôi.
-Đêm... đêm qua nó kêu nửa đêm, kêu 9 tiếng vậy là?

Chị Ma trầm ngâm một hồi.

-Nửa đêm qua chị cũng có nghe, nãy cũng đi gặp Xã Thần hỏi việc này nhưng lão ấy bảo là Thành Hoàng làng mới biết rõ chứ Xã Thần chỉ coi đất cát, phù hộ cho dân trong làng chứ ai sắp đến số sinh tử lão ấy không nắm được.
-Thế ạ?
-Nhưng em đừng có lo, nếu có gì không hay nhất định Thổ thần nhà mình cũng biết trước một lúc, một lúc đó đủ để mình làm được ối việc, kể cả lừa luôn cả Hắc Bạch Vô Thường.
-Lừa ai hả chị?
-Ừ nhỉ, em lại không biết cái đấy, ai chết rồi thì sẽ có Hắc Bạch Vô Thường đến xốc nách đưa đi. – Chị Ma nhìn tôi – Nếu chị nhớ không nhầm thì em có cái mũi dị ứng với mùi tử khí nhỉ?
-Cũng không hẳn ạ, em cũng không rõ.
-Con quạ, con kền kền và cả con chim lợn đều giống nhau ở chỗ nó rất nhạy bén với mùi tử khí nhưng chim lợn thính hơn, nó có thể ngửi được mùi người chết nên nó thường báo trước khoảng hai đến ba ngày. Đám quạ đen với kền kền thì sau khi người chết, mùi tử khí nồng nặc thì nó mới biết để bay đến rỉa xác, cho nên bà em nói con chim lợn là sứ giả Diêm Vương cũng có lý đấy, nó báo trước mà.
-Như thế nghĩa là...
-Chỉ là có thể xung quanh đây có ai đó sắp mất cho nên con chim ấy bay đến, không cứ phải nhất là bà em, đất này vượng khí, phát về đường thọ, bà em mới thất tuần thì chưa đâu. Thời của chị thì thất tuần là thọ nhưng thời nay nhiều người sống ngoài bát tuần gần lục tuần rất nhiều, trong làng này cũng thế.

Tôi nghe chị ma nói như vậy thì yên tâm phần nào, tôi tin chị ấy vì chị ấy sống ở làng này ngót 700 năm, trải qua biết bao nhiêu thế hệ, kể cả chẳng chú ý thế sự thì cũng ít nhiều biết chuyện nọ chuyện kia.

-Làng này có lệ đàn ông 49 tuổi thì khao cụ, tục lệ này có từ thời Tây Sơn do đàn ông chỉ thọ đến ngoài bốn mươi là chết. – Chị Ma nói – bố em rồi cũng sẽ đến lúc 49 tuổi, tốt nhất không nên khao làng.
-Sao thế chị?
-Hồi làng này bỏ không làm cuốc, làm cày mà chuyển sang nghề khác thì làm ăn phát đạt cho nên nhiều người cũng chi bộn để khao lên cụ khi 49 tuổi nhưng sau đó làm ăn thất bát nên ít người còn làm, đình làng cũng không được chăm chút nhiều, mà nếu có khao lên cụ thì sống được cũng không quá 5 năm. Ông nội em khao lên cụ được 2 năm thì mất đấy.

Tôi không biết thực hư câu chuyện này đến đâu nhưng có một sự thật đã từng xảy ra ở làng tôi vào đầu những năm 2000 khi kinh tế cả nước thay da đổi thịt chóng mặt và dân trong làng làm ăn ở nơi xa cũng vì thế mà trở nên giàu có. Người xưa từng nói rằng phú quý sinh lễ nghĩa, khi làm ăn có tiền thì nhiều người đã quan tâm đến cha mẹ hoặc quan tâm đến bản thân mình và tổ chức khao lên cụ lúc 49 tuổi ở đình làng. Ban đầu chỉ có một, hai người thì sau đó đông dần lên, có năm còn... thi xem cụ nào có mâm xôi con gà đẹp nhất, tôi không hiểu ai đã khơi ra cái trò lai căng ấy, đi cúng người ta cần thành tâm chứ có phải khoe nhà tôi làm mâm cỗ to đâu. Chuyện khao cụ ấy cũng sôi sục trong khoảng gần mười năm thì buộc phải ngưng vì nhiều người mới khao lên cụ được một vài năm thì chết bất đắc kỳ tử. Một đồn mười, mười đồn trăm và ai cũng lạnh lưng, thế rồi dân trong làng tự ngồi với nhau thống kê, xâu chuỗi lại sự việc và phát hiện ra một điểm chung đó là:

Những người khao lên cụ lúc 49 tuổi nếu khao xong vẫn ở làng thì đều đã mất hoặc bệnh nặng, những người cũng khao lên cụ khi 49 tuổi mà không sống ở làng thì lại không sao. Tin tức này lan nhanh trong làng và rồi sau đó ngôi đình lại trở lên tĩnh lặng, không còn cảnh tấp nập thi xem mâm xôi con gà nhà cụ nào to nữa. Một số người vẫn muốn giữ truyền thống của làng thì đều chờ qua tuổi 49 mới khao, giống như một kiểu đánh lừa quỷ thần vậy, bố tôi cũng có đôi lần mong muốn về quê tổ chức khao lên cụ cho đẹp mặt gia đình. Tiền bạc thì cũng không đáng bao nhiêu nhưng tôi có nói với bố tôi rằng:

-Khao cho bố lên cụ cũng được nhưng vấn đề bây giờ bố mới chỉ là chức ông, thời xưa bệnh tật, đói kém, chiến tranh liên miên thì các cụ không sống thọ được mới coi trọng việc sống đến 49 tuổi lên chức cụ và hội họp ở đình làng, 70 tuổi lên chức lão nhưng thời buổi bây giờ khác rồi, khi nào bố 80 tuổi thì làm hẳn cỗ lớn mời cả làng khao cho nở mày nở mặt. Còn bây giờ, bố mà cứ nhất nhất đòi khao làng thì bố biết rồi đấy, cụ nghĩa là già mà già thì rất nhanh nhập hộ khẩu Cầu Khoai, bố có muốn không?
-Nó nói đúng rồi đấy, làng mình khao cụ xong là nghẻo, ông muốn chết à? – Mẹ tôi nói thêm vào và thế là bố tôi tịt ngúm ý định đấy.
Cuộc sống có rất nhiều thứ khó giải thích và không ai muốn mình trở thành vật thí nghiệm cho những điều khó hiểu. Đối với tôi, tôi không bao giờ muốn đùa giỡn với cái chết đặc biệt nếu tôi đã được nhắc nhở.
-Chị, thế còn Hắc Bạch Vô Thường chị nói là ai? Sao em nghe giống trong phim Tàu quá?
-Không phải là ai, họ có hai người một mặt đen do chết treo cổ, một người mặt trắng do chết đuối. Mà em không cần phải sợ hai người này, hồi họ dẫn chị đi thì chị đã biết vài thứ, nếu là người tốt thì họ cũng không sao làm gì, người xấu tính thì trong lúc thi hành phận sự họ cũng động tay động chân kẹp nách xách đi đấy.

Tôi nghe vậy thì gật lấy gật để, mặt đen chết do treo cổ chắc là đen sì như cái anh treo cổ chết mà tôi từng thấy ở Hà Nội còn mặt trắng nhợt vì chết đuối thì tôi đã tận mắt thấy thằng P. rồi, nghĩ đến đó tôi khẽ rùng mình.

-Nãy chị bảo là lừa họ là sao? Có thể lừa họ được ạ?
-Có một cách như này, thi thoảng cũng có những người chưa đến số phải chết nhưng bị ai đó vu oan giá họa và Hắc Bạch Vô Thường chỉ biết nghe lệnh đến bắt người dẫn đi, thường thì ai chết cũng sẽ kêu oan nhưng tốt nhất là đừng kêu, khi nào bị xét xử tội trạng thì khai cái tên người đã giá họa mình ra. Nhất định phán quan sẽ cho tra xét, thường thì sẽ về hỏi Xã Thần để xem sổ sách công tội khi còn sống có đúng hay không, nếu đúng thì không nói làm gì nhưng thi thoảng cũng có sai sót.
-Sai sót? Sai... sai sót thì làm sao ạ?
-Thì sẽ sống lại, nhầm lẫn lúc nào chẳng có, nhưng cũng có người bị chôn rồi mới sống lại nên chết tức tưởi rồi đấy, làng này thì chưa nhưng nơi khác đã có.
-Thế thì em chẳng sợ vì em chẳng làm gì xấu, bà em cũng là người tốt.
-Nhưng có thể có giá họa, giờ ma cỏ cả cái làng này đã biết trong làng có người được sắc phong công chúa và ở trên đất này giấu sao được, mà chị cũng đi khoe cả làng rồi. – Chị Ma cười đầy tự hào – Chị có từng nghe nói vùng đất này cũng không thiếu gì quân tướng bên Tàu chết trận, đám đó ít khi nghe lời quan quân địa phương và hay âm thầm làm mấy chuyện xấu.
-Cò Tý ơiii! – Tiếng bà Già gọi tôi từ trong nhà.
-Em vào ăn cơm đi, yên tâm đừng có sợ, có chị ở đây thì đứa nào làm bậy chị sẽ đá bay hết. Mà chị dặn những thứ chị vừa nói thì nghe và biết vậy thôi đừng nói linh tinh dễ phạm tội tiết lộ thiên cơ, nếu có rơi vào tình thế nguy hiểm thì cũng không được sợ, chị không giúp được ắt có người khác ra tay, em nghe không?
-Dạ.

Bóng váy đỏ của chị Ma biến mất còn tôi cũng nhanh chóng chạy vào nhà, bà Già đang ngồi bên mâm cơm tối chờ tôi, nghe chị Ma nói thì tôi vững bụng hơn rất nhiều.

-Mày đi đâu đấy?
-Cháu mới chạy ra ngoài, vừa về đến cổng đứng tè thì bà gọi.
-Thôi ngồi mà ăn cơm đi.

***

Sau bữa tối bà Già ngồi xem Tivi còn tôi thì nằm trên võng đọc truyện sau khi đã làm bài tập, tinh thần tôi rất thư thái, một hồi tôi bỗng thấy con Mực nằm ngoài hiên cứ sủa vang, tôi quát mấy lần nó cũng không thôi mà cứ gầm gừ nhìn ra cổng sủa vang. Tôi thấy lạ nên bật đèn tròn ngoài hiên, để cuốn truyện lên giường chỗ bà đang ngồi.

-Để cháu ra xem thử sao con Mực cứ sủa, hay có trộm cắp gì.
-Mới 9h thì trộm cắp gì giờ này.

Tôi bước ra ngoài rồi xuống sân đứng cạnh con Mực lúc này đang chõ mõm sủa về hướng Nam, tôi thấy đuôi nó cụp lại và và thân mình nó run run. Tôi thấy lạ nên cúi xuống vỗ lưng rồi xoa đầu nó mấy cái sau đó tôi đi ra cổng. Cổng nhà tôi lúc này vẫn là một cái cổng tre từ mấy chục năm trước nên đứng ở trong vẫn có thể nhìn xuyên qua được, thậm chí tôi có thể thò cả đầu mình qua cái cửa tre ọp ẹp, cái cổng này làm cho có chứ không phải để chống trộm.
Tôi thò đầu ra khỏi cổng vì lười dỡ cái cột chống cửa mà bà đã dùng để chống mỗi khi trời tối. Tôi quay đầu nhìn sang bên trái là hướng ra cánh đồng và cổng nhà cô Thu chẳng thấy gì, tôi quay đầu nhìn sang bên phải nơi có một dãy bờ rào rồi đến cái ao rộng của nhà tôi cũng chẳng thấy gì, còn trước cổng là cái ao bèo của nhà thằng L. thì không phải nhìn do nó là ao, không phải đường cái.

-Có gì đâu mà mày cứ sủa thế hả Mực?

Con Mực đứng trong sân vẫn gầm gừ, tôi làu bàu trong miệng rồi định rút đầu vào thì tôi hơi sững lại một chút vì dưới ánh trăng mà mờ dường như có bóng 3 người đang đi bộ đến phiến đá xanh cách cổng nhà tôi khoảng hơn 30m mà phía dưới là rãnh nước thông giữa ao nhà tôi và ao nhà thằng L. Tôi nhìn không rõ nên lại thò đầu ra căng mắt nhìn, đã qua rằm nên trăng không sáng nhưng đúng là có ba người tuy nhìn không được rõ lắm, ba bóng người lặng lẽ đi gần về phía tôi, người ở giữa xem chừng rất mệt mỏi. Khi ba bóng người đó đi đến gần tôi thì chút ánh sáng yếu ớt của cái đèn tròn từ hiên nhà hắt ra giúp tôi nhìn rõ hơn, con Mực ở trong sân bắt đầu sủa vang liên hồi.

Một bóng người mặc đồ màu trắng đội cái mũ cao cao đi phía bên trái, một bóng người mặc đồ màu tối cũng đội mũ cao cao nhìn rất lạ, tay họ có cầm cái gì thì tôi không rõ, có thể là gậy gỗ hoặc một thanh gỗ, còn người đi ở giữa có dáng vẻ mệt mỏi, đầu chít khăn mỏ quạ cúi xuống, bước thấp bước cao trông như một người phụ nữ lớn tuổi. Tôi giật mình nhận ra đây không phải người, mà không phải người thì chắc chắn là ma và tôi cũng nhận ra hơi lạnh phả vào mặt mình. Trong giây lát tôi không biết nên làm gì, nên giả vờ không nhìn thấy để họ đi qua hay rụt đầu chạy biến vào nhà. Nhưng tôi đã mắc một sai lầm, ấy là khi tôi nhận ra dáng vẻ của người đi ở giữa kia chính là bà Th, người cũng trong ngõ này nên tôi buột miệng.

-Ơ, bà Th.!

Âm thanh buột ra khỏi miệng thì tôi mới biết rằng mình không nên vì ngay sau đó là âm thanh lạnh lẽo rít lên trong gió.

-Ai?!

Tôi nuốt nước bọt đánh ực một tiếng, cái bóng của bà Th. khi nghe tiếng của tôi gọi thì bỗng đứng thẳng lên rồi vùng ra chạy ngược về phía sau rất nhanh, hướng đó dẫn về nhà bà ấy, ngay lập tức bóng người mặc quần áo tối màu lập tức lướt theo ngay, chắc là để bắt lại.

-Mày! Thằng bé này mày đã nhìn thấy chúng ta?! – gió lạnh thổi vào mặt tôi cùng âm thanh quát mắng.
-Ơ,ơ... – Tôi ú ớ không biết nên trả lời như thế nào, cái bóng trắng ấy chỉ cách tôi khoảng 3m mà thôi, ông ta đang chỉ tay vào mặt tôi như muốn hỏi tội.

Cái bóng trắng chạy tới phía tôi, tôi rụt vội đầu vào trong nên một bên tai thấy rát rát do va vào những thanh tre cũ nhưng bàn tay trắng nhợt của bóng người kia xuyên qua cả những thanh tre, tôi không chạy được vì hai chân tôi như đeo chì vậy, thoáng trong giây phút ấy tôi cảm thấy mình như đông cứng, y như bị mụ Mẹ Chẽ thôi miên vậy. Bóng người mặc bộ áo trắng đã đi xuyên qua cánh cổng tre, tim tôi đập mạnh và nhanh liên hồi khi toàn bộ thân hình của người đàn ông đó thấp thoáng dưới ánh đèn màu vàng hắt ra lẫn với những bóng lá chập chờn của cây bưởi sinh đôi trong sân nhà tôi thấy rõ ông ta mặc bộ quần áo màu trắng, khuôn mặt nhợt nhạt như xác chết trôi và dưới cằm thì đeo một thứ đỏ chót dài dài đến tận rốn giống như râu, môi ông ta đỏ và quầng mắt thâm đen, miệng tôi mấp máy định đọc khẩu quyết thì một luồng gió thổi tới từ sau lưng, ngay sau đó ở phía bên trái tôi, chỉ cách khoảng một sải tay xuất hiện một bóng người nhỏ thó mặc bộ quần áo màu xám, hai tay đặt lên đầu cây gậy tre đang chống xuống đất, tóc trên đầu búi cao và điểm bạc, ông ta cũng có râu nhưng không dài, tôi không nhìn thấy hết khuôn mặt mà chỉ thấy một phần làn da có vẻ hồng hào nhưng hơi nhăn nheo, một ông lão lớn tuổi.

-Xin hỏi đại quan có việc gì ghé thăm ạ?
-Ta... Ta không ghé thăm, thằng bé này đã nhìn thấy ta thi hành công vụ và khiến cho vong hồn ta đang dắt đi bỏ chạy mất, nó cản trở ta.
-Thưa đại quan, tiểu nhân không hay biết việc này, nếu đại quan muốn ghé thăm nhà thì phải có Xã Thần nói trước ạ.
-Ta không ghé thăm ông, - Ông ta chỉ tay vào tôi - Ta muốn trách phạt thằng bé này.
Ông lão mặc bộ đồ màu xám chưa kịp trả lời thì có tiếng nói khác xen vào.
-Thằng bé này làm gì mà trách phạt nó?

Âm thanh nhẹ nhàng theo gió ấm vọng đến bên tai tôi, quả nhiên là chị Ma, tôi nghe thấy giọng chị ấy thì thấy yên tâm hơn một chút vì nhìn ông già chả hiểu từ đâu xuất hiện này có vẻ yếu ớt, nếu có đánh nhau chắc không đánh lại cái ông mặt trắng đang đứng trước cổng nhà tôi bây giờ. Tôi thở hổn hển ngoái đầu nhìn lại phía sau mình thấy chị Ma lúc này đang tản bộ cạnh bờ rào tiếp giáp với nhà cô Thu, trông điệu bộ rất thong dong, bàn tay của chị ấy dường như đang lướt trên những rặng mây đầy gai, điều đặc biệt là chị ấy lại đội vương miện, điều tôi ít thấy.

-Nhà cô là ai? – Bóng người mặt trắng lên tiếng hỏi.
-Quan trọng gì đâu, tôi vô tình đi ngang thôi. Mấy ngài thi hành công vụ sơ sót để hồn chạy mất thì lo mà đuổi bắt lại chứ thằng bé này nó có làm gì đâu mà trách phạt.
-Nó làm bọn ta giật mình và hồn mới bắt kia tỉnh dậy chạy mất.
-Trời ơi, các ngài có phải là đại quan không vậy? – Chị Ma chỉ vào tôi tỏ vẻ ngạc nghiên - Cái thằng bé vắt mũi chưa sạch này nó không sợ các ngài thì thôi, sao các ngài lại giật mình sợ nó?
-Ta... !
-Chuyện này mà đồn ra ngoài thì... – Chị Ma ngưng lại một đoạn rồi nói tiếp – Chuyện này đồn ra ngoài thì sao ông cụ nhỉ?
-Bẩm đại quan, thằng bé này thi thoảng nó nhìn được nhưng là vô tình thôi chứ nó không cố ý, đại quan đi bắt người để con chó Mực nó sủa nên thằng bé này tưởng là trộm nên nó ra chứ nó có biết gì.
-Ta còn ngửi thấy mùi rượu đâu đây, - Chị Ma chen vào - Ông cụ Thổ địa bây giờ lại uống rượu à?
-Không, không... hơn nửa tháng nay tôi có giọt nào đâu.
-Để tôi hỏi Xã Thần của làng, Xã Thần phải báo với Thành Hoàng làng này chứ sao đêm hôm để quan quân đi lại trong làng mà nồng nặc mùi rượu là thế nào, chó nó ngửi thấy sủa vang cả tối làm lộ hết thiên cơ.

Chị Ma nói xong đầu cứ nhìn lên trời ra vẻ ngắm trăng và sao, tỏ ra lơ đễnh không màng thế sự.

-Ông Thổ địa! đất nhà ông tôi vào thì phải trình giấy mà sao nhà cô kia lại ở trong đấy?
-Bẩm đại quan, đây là... đây là... – Ông Thổ địa có vẻ căng thẳng.
-Ngọc Hoa Công chúa, đất này trước đây của tôi, bây giờ cũng vẫn là của tôi. Ông Thổ địa này mới trông coi chưa được bao lâu đâu.
-Dạ, bẩm đúng ạ.
-Ngài đại quan với ông cụ cứ tính xử phạt thằng bé này đi nhé, tôi còn phải ra uống rượu với lão Xã Thần của làng này, đêm nay trăng đẹp có rượu ngon thì hàn huyên chút chuyện cũng vui.
-Nhà cô kia! À... cô công chúa, là tôi không biết nhà cô ở đây, xem như chưa có chuyện gì xảy ra. Tôi... tôi nhờ cô đừng truyền việc này ra ngoài, chúng tôi cũng cần có tôn nghiêm khi làm việc, nhờ cô.
-Ngài nói gì ạ? Tôi có biết gì đâu, tôi cũng chẳng nghe thấy gì. – Chị Ma phẩy tay – Mà cái thằng bé này vào nhà đi đứng đây làm gì, đừng có bép xép không các quan rạch miệng nghe chưa?
-Vâng... vâng! – Tôi lắp bắp, tôi biết chị Ma đang tìm cách giải thoát cho tôi khỏi cảnh hiểm nghèo.
-Thằng bé này ngoan lắm, thưa ngài. Nó chả nhìn, chả nghe thấy gì đâu mà ngài lo. - Chị Ma đi lại gần chỗ ông Thổ địa - Các ngài cứ ở lại nói chuyện thêm, tôi phải đi chứ đã qua giờ Hợi rồi.
-Hả, giờ Hợi rồi à?

Người mặc đồ trắng vội vàng quay lưng rồi biến mất luôn, xem chừng vội vã, ông Thổ địa nhà tôi thì thở hắt ra một hơi dài rồi cũng biến mất cùng với chị Ma, ngay lúc đó thì chân tôi nhẹ bẫng. Tôi ù té chạy vào trong nhà, con Mực từ nãy không sủa chắc vì hơi lạnh làm nó run, giờ thì đuôi của nó vẫy mạnh như kiểu vui mừng.

---
***

Quỷ là gì , quỷ là đồ chơi là vật buôn bán của ta mà thôi